Nhiều người thừa nhận bị “nghiện” trà sữa. Loại đồ uống này có chứa nhiều thành phần tác động tiêu cực đến sức khỏe.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn về tác hại của trà sữa đối với sức khỏe.
– Trà sữa là đồ uống khoái khẩu của giới trẻ, thậm chí cả người lớn, ông có thể cho biết thực chất loại đồ uống này là gì?
– Thành phần của trà sữa cơ bản thường gồm 3 thành phần chính:
Trà: Các loại trà cơ bản thường được sử dụng trong trà sữa bao gồm trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Nếu sử dụng trà thật, chúng có chứa rất nhiều các chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm và chống ung thư. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng lại thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị quyến rũ.
Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ có chứa các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P – dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).
Sữa: Trừ những thương hiệu nổi tiếng sử dụng các loại sữa tươi, sữa đặc thì đa số thương hiệu nhỏ đều sử dụng kem béo (không phải sữa). Loại kem béo này so với sữa thì lượng canxi, vitamin A, D, hàm lượng protein so với sữa cũng rất thấp. Kem béo này chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe như làm tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.
Trân châu: Thành phần chủ yếu của hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein. Do thành phần chủ yếu là từ tinh bột, nên mặc dù nhìn những hạt trân châu này rất nhỏ bé, nhưng lại có chứa rất nhiều năng lượng. Một hạt trân châu có thể chứa tới 5-14 kcal mỗi viên. Thông thường, một cốc trà sữa sẽ thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.
– Đường: Một ly trà sữa trân châu có thể sẽ chứa tới 50 g đường (cung cấp 200 kcal calo). Đó là chưa kể tới lượng calo mà sữa và trân châu đem lại.
Tuy nhiên, ngày nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Tùy từng loại mà lượng calo trong mỗi loại sẽ tăng lên hoặc giảm đi, so với trân châu, kem phô mai có thể sẽ chứa nhiều năng lượng hơn, thạch có thể sẽ chứa ít năng lượng hơn.
Ngoài ra, nếu uống trà sữa có hương vị hoa quả, các cửa hàng còn cho thêm siro trái cây. Đây cũng là một nguồn cung cấp calo cho cơ thể. Tổng cộng, một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal.
|
Ts.Bs Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: BSCC. |
– Trà sữa chính là thủ phạm khiến người uống tăng cân?
– Do chứa nhiều đường và calo, nên nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, các bạn học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển. Tuy nhiên, trà sữa không phải là nguyên nhân duy nhất cũng như nguyên nhân chính gây béo phì. Đây chỉ là một trong những nguyên nhân gây béo phì.
– Ngoài gây tăng cân, trà sữa còn có tác hại gì?
– Bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì lợi ích, một số cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học.
Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng hạn chế thì không nguy hại nhiều tới sức khỏe. Nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận.
Thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormone nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng.
Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên mua nguyên liệu về tự chế. Sữa kết hợp với trà nếu không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà.
Ngoài ra, đồ uống này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
|
Về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào. Ảnh: Shutterstock. |
– Gần đây, thông tin bé gái bị nôn, ói, sốc nhiễm khuẩn sau khi uống trà sữa khiến nhiều người lo lắng. Thực chất trà sữa có nguy hiểm đến vậy?
– Ngoài những nguy cơ về thừa năng lượng, gây tổn thương gan, thận và vô sinh, trà sữa được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vấn đề này không đến từ bản thân trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này.
– Chúng ta cần lưu ý gì khi uống trà sữa?
– Để uống trà sữa vẫn tốt cho sức khỏe chúng ta nên chọn trà sữa đảm bảo các tiêu chí như chế biến tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại ít đường hoặc không đường, sử dụng sữa tươi để pha trà sữa, không phải sữa đặc hay kem béo.
Một ly trà sữa trân châu có thể không có tác động đến sức khỏe, nhưng đây không phải là món đồ uống có thể sử dụng hàng ngày. Không nên cho trẻ nhỏ sử dụng trà sữa. Không uống trà sữa thay cho các bữa chính.
—
Có thể bạn cần biết!
Nghiện trà sữa nhưng chắc chắn không phải ai cũng biết 10 điều đặc biệt về thức uống này
Với hàng loạt các tên tuổi trà sữa xuất hiện mới tại Việt Nam, thức uống này đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Dù có phải là fan ruột của trà sữa hay chỉ tình cờ nhấm nháp vài lần, chắc hẳn bạn cũng phải biết đây là một loại đồ uống có nguồn gốc từ Đài Loan với những hạt trân châu bên trong. Từ một loại đồ uống nổi tiếng của Đài Loan, trà sữa trân châu đã lan ra toàn thế giới và được giới trẻ tại nhiều nước, đặc biệt là tại châu Á yêu thích.
Dù nhiều người “nghiện” món trà sữa này là vậy, không phải ai cũng biết những điều đặc biệt đằng sau loại đồ uống phổ biến này.
1. Được sáng tạo trong một buổi họp nhân viên tẻ nhạt
Có nhiều câu chuyện về nguồn gốc của trà sữa. Một trong những câu chuyện được nhiều người gật gù nhất cho biết món trà sữa có nguồn gốc từ những năm 1980. Lúc bấy giờ, món trà Đài Loan đang trở thành thức uống phổ biến tại đây. Tuy nhiên, để cho khác biệt, ông chủ cửa hàng trà Chun Shui Tang tại Đài Trung đã phục vụ món trà đá, lấy ý tưởng từ cà phê đá Nhật Bản.
Một vài năm sau, quản lý phát triển sản phẩm của ông, cô Lin Hsiu Hui, đã phát minh ra một loại trà mang tính “cách mạng”: trà sữa. Trong một buổi họp nhân viên tẻ nhạt, cô đã quyết định đổ món tráng miệng nổi tiếng của Đài Loan mang tên Fen Yuan – một loại pudding trân châu, vào bên trong cốc trà đá và uống. Không ai ngờ rằng, hương vị của nó quá ngon và món ăn đã được đưa vào menu của cửa hàng.
2. Trà sữa chân trâu có mặt trên khắp thế giới
Ngày nay, bạn có thể tìm thấy trà sữa Đài Loan tại khắp các châu lục trên thế giới, đặc biệt tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Mỹ. Có khoảng 800 cửa hàng trà sữa chỉ riêng tại nước Mỹ, chủ yếu ở New York và California. Ước tính, món đồ uống này đã có mặt tại hơn 30 quốc gia.
3. McDonald’s từng phục vụ trà sữa trân châu
Hồi năm 2012, McDonald’s là thương hiệu đồ ăn nhanh đầu tiên trên thế giới phục vụ món trà sữa trân châu trong vòng một tháng tại 800 cơ sở trên toàn nước Đức. Với ba loại trà (có cả sữa và không sữa), 7 loại hương vị, 2 loại thạch, 4 loại trân châu… có khoảng 252 lựa chọn cho thực khách khi bước vào cửa hàng của McDonald’s.
4. Loại topping phổ biến nhất là trân châu bột sắn
Trân châu bột sắn là những viên trân châu hình tròn có màu đen. Bột sắn được nấu với đường nâu và xi-rô, khi ăn có vị ngọt và hơi dai. Tuy nhiên giờ đây, người ta sử dụng rất nhiều các loại topping khác cho vào trà sữa trân châu như thạch dừa, thạch cà phê, thạch rau câu.
5. Có vô số tên gọi
Ngoài cái tên trà sữa trân châu, người ta còn gọi nó bằng vô số các tên khác như trà bong bóng (bubble tea), boba, trà hạt bột sắn, boba nai cha, zhen zhou naicha, trà trân châu đen, trà sữa momi…
6. Trân châu làm từ bột sắn
Lý do mà trà sữa này còn được bằng cái tên trà hạt bột sắn (dù chỉ có ở nước ngoài gọi chứ ở Việt Nam không ai gọi nó bằng cái tên này) vì đơn giản, hạt trân châu được làm từ củ sắn. Sau khi có những hạt trân châu sống, người chế biến sẽ đun sôi khoảng dưới nửa tiếng cho tới khi chín hoàn toàn nhưng phải đảm bảo trân châu còn độ dẻo. Khi đó hạt nở ra đáng kể, rồi được làm lạnh trong khoảng nửa tiếng nữa. Sau khi để ráo nước, hạt trân châu được cho vào nước đường hay mật ong để sẵn dùng vào trà.
7. Trà sữa trân châu có thể khiến bạn tăng cân vù vù
Dù không bao gồm các loại topping, chỉ riêng trà sữa thôi cũng chứa khá nhiều đường và các hương vị tổng hợp. Thông thường, mỗi viên trân châu làm từ bột sắn sẽ tương đương với khoảng 5-14 calo; và chắc chắn, bạn không chỉ có 10 viên trân châu trong một cốc mà con số còn nhiều hơn đáng kể.
Chính vì vậy, nhiều người thường chọn % đường trong mỗi cốc trà sữa nếu không muốn tăng cân vù vù với loại đồ uống yêu thích này.
8. Trà sữa trân châu cho người ăn chay
Dù có cái tên “trà sữa”, tại nhiều nơi, người ta có thể thay thế sữa bò bằng nguyên liệu khác với những người ăn chay. Các sản phẩm sữa khác như sữa đậu nành, sữa dừa có thể sử dụng thay thế, đặc biệt là nếu bạn muốn chế biến trà sữa tại nhà.
9. Bạn có thể thưởng thức trà sữa nóng
Hầu hết các món trà sữa đều được uống trong điều kiện lạnh. Chẳng ai muốn thưởng thức món đồ uống này nóng trong thời tiết mùa hè cả. Tuy nhiên, nếu sống tại những vùng lạnh mà các bạn vẫn muốn thưởng thức trà sữa trân châu thì trà sữa nóng không phải lựa chọn tồi. Nhiều cửa hàng cũng cung cấp món trà sữa nóng để phù hợp với nhu cầu của thực khách.
10. Từ hạt nhỏ đến hạt to
Kích cỡ hạt bột sắn trong trà sữa trân châu rất đa dạng. Chính vì vậy nó mới có những tên khác nhau. Nói một cách chính xác, cái tên “trân châu” đề cập đến món trà sữa nguyên bản với các viên bột sắn kích cỡ nhỏ như trân châu. Với món trà sữa boba, kích cỡ của các hạt bột sắn to hơn rất nhiều.
Tuy vậy, giờ đây dù hạt to hay hạt nhỏ, người uống vẫn quen miệng gọi bằng cái tên trà sữa trân châu và nó đã thành một thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới.