Quán bánh canh 300.000 đồng/tô trong hẻm Sài Gòn, khách vẫn chờ ăn

0
1062

“Cho 3 tô bánh canh đầy đủ càng cua, tôm, thịt, giò heo giá 300.000 đồng/tô bà chủ ơi. Chúng tôi chờ hơi lâu rồi”, sau khi loay hoay đứng đợi khách đi mới có chỗ ngồi, ông Khánh gọi với ra đầu hẻm, nơi bà chủ quán đặt tủ đựng nguyên liệu và nồi nước lèo.

Phải chờ đợi hơi lâu, thực khách này vẫn vui vẻ cho hay ông và hai người bạn đi từ quận 11 sang để ăn món bánh canh có giá đến 250.000-300.000 đồng/tô mà người thân và bạn bè giới thiệu.

Quán bánh canh 30 năm của người Sài Gòn

Quán bánh canh cua của vợ chồng bà Loan (57 tuổi) nằm đầu một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Chí (quận 6, TP.HCM).

Từ lúc mở hàng, quán bánh canh cua nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Chí (quận 6) của vợ chồng bà Loan đã rất đông khách.

Cứ đều đặn mỗi chiều, vợ chồng bà dọn hàng lúc 16h, và cũng đều đặn cứ quán mở là đã nhộn nhịp khách. Quán vỉa hè, thực khách ngồi trên những chiếc ghế lúp xúp đặt sát tường của con hẻm. Những lúc quá đông, nhiều khách phải đứng đợi người khác ăn xong mới có chỗ ngồi.

Toàn bộ nguyên liệu cho món bánh canh như tôm, càng cua đã được bóc vỏ sẵn; chả cá viên, thịt, giò nạc heo được đặt trong một tủ kính nhỏ. Bên tay phải bà Loan là nồi nước dùng sóng sánh. Khách đến liên tục, bà Loan cứ loay hoay thêm nguyên liệu, chan nước lèo để kịp phục vụ.

“Tôi bán ở hẻm này đến nay là tròn 30 năm, từ hồi 1988. Hồi đó, khách hàng của tôi có khắp nơi, ở Thủ Đức hay các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… khi có việc trên này họ cũng ghé ăn”, bà Loan vừa nói vừa làm thoăn thoắt.

Chủ quán nói điểm đặc biệt trong mỗi tô bánh canh bà bán là nước dùng, viên chả cá thác lác, hay cái bánh nổi ăn kèm cũng đều do bà làm. Để làm được những nguyên liệu này, bản thân bà cũng đi học nấu ăn đàng hoàng chứ không phải tay ngang. Nhưng những điều học được ở trường lớp chỉ dừng ở mức cơ bản.

Bà Loan cho hay bán bánh canh cua đã 30 năm, lúc bà 27 tuổi, nên mọi bí quyết, kinh nghiệm đều được góp nhặt vào từng nguyên liệu của món ăn. 

Kinh nghiệm thực tế từng năm khiến bà góp nhặt vào gia giảm gia vị, nguyên liệu để có được tô bánh canh ngày hôm nay.

“Tôi rất khó tính trong việc chọn nguyên liệu cho món ăn. Cá thác lác, cua, tôm, thịt nạc, giò nạc đều là hàng chọn lọc. Tôi cam đoan tuyệt đối không phải hàng đông lạnh, không hóa chất hay pha bất cứ thứ gì”, bà Loan nói.

Suốt 30 năm qua, bà Loan vẫn quyết định giữ nghề vì đó là công việc khiến bản thân cảm thấy vui, và món ăn của bà làm những thực khách khó tính cũng hài lòng.

Món bánh nổi khá đặc biệt là bí quyết riêng có trong tô bánh canh ở quán bà Loan.

Bà Loan nhắc đến một kỷ niệm khiến bản thân không thể quên là có một cô bé ăn bánh canh của bà từ năm 8-9 tuổi. Sau hơn chục năm đi định cư nước ngoài, gần đây khi về nước vẫn nhờ mẹ đưa đến quán bà để ăn.

“Vợ chồng tôi luôn tự hào vì bán bánh canh nuôi 3 cô con gái ăn học thành tài. Đứa con gái lớn của tôi hiện là đầu bếp tại một nhà hàng, con giữa đang làm cho một công ty nước ngoài và cô út hiện là chuyên viên thiết kế nội thất”, bà Loan khoe.

Thực hư mức giá 300.000 đồng/tô bánh canh

Theo quan sát của Zing.vn, tại đây khi khách ra vào, vợ chồng bà Loan và cô con gái út luôn vui vẻ tiếp đón, hỏi kỹ món khách muốn ăn và báo giá trước. Khách đồng ý bà Loan mới nhanh tay cho nguyên liệu vào tô theo từng mức giá.

Chủ quán bánh canh 30 năm tuổi không ngại thừa nhận giá bánh canh do mình bán đắt hơn so với mặt bằng chung, nhất là so với những quán bình dân thực khách phải ngồi vỉa hè để ăn.

“Như tôi đã nói, tôi rất quan trọng độ tươi sạch của các nguyên liệu trong món ăn của mình. Thử hỏi, nếu ai cũng cho rằng giá này quá đắt thì làm sao tôi có thể ngồi đây bán suốt 30 năm”, bà Loan nói.

Giá bán từng tô bánh canh được tính theo nguyên liệu khách gọi.

Tuy nhiên, bà cho rằng thời gian gần đây nhiều thông tin đồn thổi trên mạng quán bà bán một tô bánh canh giá 300.000 đồng là chưa hoàn toàn đúng, bởi hàng bà có rất nhiều mức giá khác nhau cho khách lựa chọn. Tô bánh canh 300.000 đồng là đắt nhất quán với đầy đủ cua, chả cá thác lác… nếu khách hàng có nhu cầu.

Cụ thể, giá niêm yết với tô bánh canh thịt nạc là 40.000 đồng; thịt nạc/giò và chả cá thác lác là 70.000 đồng; thịt nạc/giò, chả cá, tôm là 80.000 đồng. Nếu tô bánh canh gồm đủ giò heo, chả cá thác lác, tôm cua các loại sẽ ở mức 100.000-300.000 đồng, tùy kích cỡ và số lượng càng cua.

Khách sành ăn nói gì?

Tương tự nhiều người hiếu kỳ, từ trung tâm quận 1, chị Võ Mai bắt taxi đến con hẻm có bán bánh canh của bà Loan để thưởng thức thử món bánh canh mà nhiều người cho là đắt đỏ. Chị Mai cho hay mặc dù đi vào buổi chiều, đường kẹt xe nhưng sau khi thưởng thức tô bánh canh với giá 150.000 đồng, chị thấy hài lòng.

“Tôi thấy thịt nạc, giò cũng không quá đặc biệt đâu. Tuy nhiên, tôm và càng cua đúng là hàng tươi ngon, bánh nổi cũng khá thú vị. Với chất lượng này thì giá là chấp nhận được”, chị Mai nói.

Phải ngồi ghế xúp lúp bên vỉa hè để ăn bánh canh nhưng nhiều người vẫn hài lòng về chất lượng tô bánh canh cua do bàn Loan bán.

Tương tự, sau khi xì xụp 3 tô bánh canh với giá cao nhất 300.000 đồng/tô, nhóm bạn gồm 3 người của ông Khánh cũng vui vẻ cho biết: “Chất lượng thế này thì vừa tầm giá rồi”.

Một người nhóm này tự nhận là người Cà Mau, nói tô bánh canh có đến 4-5 càng cua loại lớn nhất, cùng với tôm, thịt, giò heo, huyết, bánh nổi thì mức giá 300.000 đồng là hợp lý.

Không chỉ những người tò mò muốn dùng thử món ăn bình dân với giá không mấy dễ chịu này, quán của bà Loan cũng luôn có những “mối quen” suốt nhiều năm qua.

Gần 19h tối, sau khi làm về, chị Hương, một khách quen từ hồi còn học phổ thông, mới ghé vào mua nhưng đành ngậm ngùi về tay không vì hết sớm.

Bà Loan cho hay gần đây, lượng khách đến ăn có phần đông hơn trước, khiến bà bán nhanh hơn, tính từ lúc mở hàng cho đến hết chưa đầy 3 giờ đồng hồ.