Giữa cơn gió lạnh của thời tiết giao mùa, có những món quà nhỏ xinh ấm áp mà chỉ cần cắn một miếng thôi là cảm thấy như tan chảy. Những món ăn ngọt ngon xinh yêu, dường như là món quà Hà Nội dành tặng chúng ta trong mấy ngày thời tiết lạnh buốt đầy tâm trạng.
Mùa đông vẫn được biết đến như quãng thời gian lý tưởng để “chìm đắm” trong loạt món ăn ngậy béo, nóng hổi đầy hấp dẫn như lẩu, nướng hay phở chiên, phở xào… Nhưng có bao giờ bạn tìm kiếm một mùa đông dịu dàng hơn, với đầy những thức quà nhỏ xinh nhưng đủ ấm áp và đủ ngon, đủ khiến người ta phải mỉm cười mỗi khi thưởng thức.
Nhớ ngày xưa ở trước cổng trường, đôi ba hàng xe đẩy xếp hàng, xe đầy ắp bánh kem trà sữa, xe đầy ắp những chuỗi kẹo bông…và xa xa không thể thiếu được là chiếc xe bánh khoai mì nướng, mà ngoài Bắc này mọi người vẫn gọi là khoai sắn. Chợt nhìn, chợt nhớ quê nhà da diết !
Những năm cuối 80, đầu 90, cuộc sống còn nhiều khó khăn, miễn Trung quê tôi mãi mới có điện về. Bố mẹ vất vả, quần quật lo lắng cho bốn miệng ăn. Mỗi bữa cơm đạm bạc đi qua, bữa cơm, bữa sắn.
Tôi còn nhớ, hồi xưa, “món ăn sáng nhà nghèo” là mỗi tối mẹ nấu sẵn một nồi khoai, sau khi chín vớt ra để nguội. Sáng bố lích kích dậy sớm, cho dầu vào chảo, tách nhỏ củ khoai và chiên vàng lên. Chị em tôi mỗi đứa dăm ba miếng, ăn vội và chạy đến trường.
Giờ đây, cuộc sống đủ đầy, sáng lê la quán phở quán bún, nhưng có những thời khắc “gió mùa về”, bỗng thèm miếng khoai kia đến lạ !
Ngoài Bắc này, mọi người thường không ăn sắn như quê tôi, ẩm thực của họ tinh tế hơn trong quê tôi nhiều. Thay vì tách miếng ra và rán lên, thì miếng sắn được luộc chín, giã nhuyễn, thêm dừa, cốt dừa để thơm ngon và hấp dẫn hơn, và họ gọi đó là Bánh sắn cốt dừa.
Và để làm được món này chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
– Sắn củ: 400 gram
– Dừa bào sợi: 100 gram
– Nước cốt dừa: 200ml
– Sữa đặc: 100ml
Cách làm:
Bước 1: Rửa sạch sắn, sau đó tách vỏ rồi ngâm vào một thau nước pha muối từ 3-4 tiếng để sắn hết nhựa.
Bước 2: Cho sắn vào một chiếc nồi, thêm nước vào cho ngập sắn rồi đem đi luộc cho chín. Thêm một vài hạt muối trắng vào khi luộc sắn để sắn được mềm và trắng hơn.
Bước 3: Khi sắn đã được luộc chín, nhấc nồi khỏi bếp, chắt hết nước trong nồi ra rồi đặt nồi lên bếp đun thêm khoảng 5 – 10 phút cho sắn se lại bớt. Sau đó cho sắn ra tô, đợi nguội rồi tách hết phần lõi sắn bỏ đi.
Bước 4: Trong 1 tô lớn, cho nước cốt dừa, dừa tươi nạo sợi và sữa vào trộn thật đều. Sắn bạn cho vào cối giã hoặc dùng cối xay, hoặc dùng tay có đi bao tay bóp nhào nhuyễn sẵn mịn ra. Cho sắn vào tô hỗn hợp ở trên và trộn cho hòa quyện thành một khối thống nhất.
Bước 5: Lấy từng bột nhỏ ra nặn hình tròn mỏng vừa cho thật đều nhau.
Bước 6: Cho chảo chống dính lên bếp, bật lửa nhỏ cho chảo nóng rồi cho bánh vào nướng cho tới khi vỏ bánh có màu vàng và mùi thơm hấp dẫn của sắn và nước cốt dừa là được.
Cầm chiếc bánh khoai mì nướng cho vào miệng nhai một cách chậm rãi. Mùi thơm thoảng của bánh hòa lẫn với vị ngọt, béo của bột khoai mì, đường, dừa nạo… lan tỏa khắp giác quan tạo thành một “hợp khúc” dân dã “chân quê”, ngon khó tả!
Giờ đây, khi đã có gia đình riêng và định cư tại thủ đô, như giọt nước chảy xuôi từ mái nhà xuống, tôi quay cuồng với nhịp sống hối hả nơi đây,công việc cơ quan rồi chăm sóc gia đình. Nhưng những giây phút “hoài niệm”, tôi bỗng vui hơn bao giờ hết. Ẩm thực vô biên, tài trí không lường, nhiều món xưa cũ giờ đã trở thành “đặc sản đường phố”.
Ảnh: FB Vinh Phụng