Các mẹ nghe em TỰ LÀM DẦU DỪA chỉ mất 30 phút là xong hết, chất lượng thượng hạng dùng thả ga

0
2028

Hôm nọ em sang nhà chị hàng xóm chơi, thấy chị đang lúi húi trong bếp nên chạy vào xem. Hóa ra là bả đang làm dầu dừa các chị em ạ. Em thích quá, vào chém gió tiện thể học mót công thức làm dầu dừa thần thánh của bả luôn.

Nhà em có con nhỏ, nên dùng dầu dừa cực thường xuyên, thay cho cả 1 rổ thuốc ý chứ, nào thì cứt trâu, bầm tím cũng dầu dừa, muỗi đốt hay hăm đít cũng dầu dừa… Mẹ thì cũng tranh thủ bôi da làm đẹp tí, nên nhoằng phát hết 1 chai.

 

Biết công thức của bả, em thử nghiện luôn. Đúng là cảm thấy tự tin vào chất lượng hẳn, kiểu mình tự làm lại càng phấn khởi, chăm chỉ dùng hơn nữa ý. Cách làm không hề phức tạp, nguyên liệu và dụng cụ thì lại dễ kiếm và ngay trong bếp thôi. Để em hướng dẫn các chị em cùng làm luôn nha.

1. Nguyên liệu các chị cần chuẩn bị:

• Dừa già: 1 trái
• 500 ml nước sôi
• Dụng cụ nạo dừa
• 1 máy xay sinh tố
• 1 cái thau
• 1 rây lọc
• 1 túi lọc
• 1 nồi cơm điện cơ
• Hũ thủy tinh dựng dầu

Các chị chú ý khâu chọn dừa nha. Vì đây là khâu quan trọng nhất để quyết định chất lượng dầu dừa nhé . Dừa tốt nhất phải là dừa khô vỏ nâu tại cây, đây là những quả dừa khá già, có vỏ màu nâu sậm, khi sờ vào rất chắc tay. Nhưng loại này chắc khó kiếm vì mình ra chợ mua là chính.

Thế nên khi mua, các chị để ý cùi của dừa già thường dày và khô, vỏ sát cùi có màu nâu sẫm, cứng và ở ngoài nổi nhiều múi. Các chị có thể dùng móng tay để bấm, nếu cứng và khó bấm thì dừa đã già, còn nếu mềm và bấm 1 cái ra nước thì chớ có mua. Và nhớ chọn dừa có cùi trắng và sáng màu vì nó còn tươi, không bị thâm hay ngả màu. Nếu chọn dừa còn vỏ bên ngoài thì có thể chọn quả to, vò màu nâu sẽ thu được nhiều nước cốt hơn.

2. Cách làm như sau:

Bước 1: Nạo dừa

Ảnh:Internet

Dừa mua về, bạn bổ dừa làm đôi, nếu có thời gian bạn để cơm dừa càng khô càng tốt. Nạo dừa thành sợi (dụng cụ nạo dừa có thể mua ờ siêu thị) và đổ vào một cái thau có kích thước vừa phải.

Bước 2: Xay dừa, vắt nước cốt lần 1

Xay thật nhuyễn cơm dừa với 1 ít nước nóng. Sau khi xay xong sẽ thấy hỗn hợp dung dịch trắng như sữa, mùi thơm đặc trưng. Lấy cái thau to để bên dưới, tiếp theo là cái rây ở trên, trên cái rây để túi lọc. Cá chị đổ hỗn hợp vừa xay vào túi lọc và vắt, sẽ thu được nước cốt dừa. Nhưng vẫn còn nhiều nước cốt dừa bám vào xác dừa vụn, vì vậy, các chị phải vắt thật kỹ bằng túi lọc lần 2.

Ảnh:Internet

Bước 3: Vắt nước cốt lần 2

Mọi người cho 1 ít nước ấm vào xác dừa đã vắt lấy nước cốt lần một, nhồi thật mạnh rồi tiếp tục vắt lấy nước cốt lần 2, lọc qua rây. Các chị cứ lặp lại cho hết số dừa, không nên vắt nhiều dừa một lúc, mỗi lần 1 ít, nếu không sẽ phí nước cốt dừa.

Bước 4: Thực hiện bằng nồi cơm điện

Các chị đổ phần nước cốt dừa vừa vắt được vào nồi cơm điện, nhấn “cook”, nấu trong 15phút. Trong quá trình nấu không nên đậy nắp nồi cơm điện giúp tránh cho nước tràn ra ngoài. Cứ khoảng 5 – 10 phút lại dùng muỗng khuấy đều phần nước cốt trong nồi để tránh bị cháy khét.

Ảnh:Internet

Sau 15 phút thì nước cốt dừa bắt đầu sệt và bắt đầu tách dầu, lúc này các chị đậy hờ nắp nồi cơm điện lại, để dầu không bị bắn ra ngoài, rồi tiếp tục nấu thêm khoảng 15 phút cho dầu tiết ra hoàn toàn. Trong thời gian này, vì dừa tách dầu, các chị nên thường xuyên khuấy đều hỗn hợp để không bị cháy dưới đáy nồi.

Bước 5: Ra thành phẩm rồi đây ạ

Ảnh:Internet

Khi thấy xác dừa cô đặc lại dưới đáy nồi, dầu dừa có màu vàng cánh gián, có mùi thơm dễ chịu, các chị tắt bếp. Chiết phần dầu dừa nguyên chất ra chén, để thật nguội rồi cho vào hũ thủy tinh để dùng dần. Khi chiết dầu dừa, mọi người cũng nên lọc qua rây để dầu không lẫn cặn xác dừa.

3. Mọi người chú ý cách bảo quản dầu dừa nhé

– Bảo quản nơi thoáng mát khô ráo sẽ bảo quản được trong 6 tháng. Nhiệt độ dầu dừa dưới 24 độ C thì sẽ tự đông lại thành một khối màu trắng, khi dùng các chị phải múc ra và để nó tan chảy rồi mới dùng như bình thường.

– Không để dầu dừa trực tiếp dưới ánh nắng.

– Bảo quản trong tủ lạnh thì thời gian dùng được lâu hơn.

Theo WTT