Tỏi đen đang được coi là loại siêu thực phẩm mới trong những năm gần đây, với công dụng chữa nhiều loại bệnh. Trăn trở vì giá thành tỏi đen nhập khẩu quá đắt đỏ, Nguyễn Ngọc Trà My – bà mẹ 2 con đã mày mò và tìm cách tự làm tỏi đen rồi share trên mạng. Cách làm của cô đã được hàng nghìn bà mẹ khác hưởng ứng, học hỏi và đã cho “ra nồi” các mẻ tỏi đen thành công.
Nếu chịu khó tìm hiểu về công dụng cũng như giá cả của tỏi đen đang được rao bán trên thị trường thì mới biết được tại sao mà cách làm tỏi đen của mẹ Trà My lại trở nên “hot” đến như vậy. Cùng Nấu ăn không khó tìm hiểu về bà mẹ trẻ này và tham khảo cách làm tỏi đen của của cô ấy nhé.
Là mẹ của 2 cô con gái nhưng Trà My vẫn rất trẻ trung
Trà My, 29 tuổi – là một người rất chịu khó mày mò những công thức làm đẹp và nấu nướng thú vị. Cô vừa đi làm, vừa đảm trách công việc nhà cửa, nội trợ nhưng vẫn luôn dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm mình tích lũy được để chia sẻ cùng các bà mẹ khác. Trên Facebook của người mẹ này, có vô số những công thức được nhiều người hưởng ứng và yêu thích. “Mình luôn khuyến khích các chị em phụ nữ nên yêu bản thân nhiều hơn. Tự tạo hạnh phúc cho mình rồi mới có thể chăm sóc cho gia đình, người thân được. Với mình, nội trợ là việc hàng ngày, còn chăm sóc bản thân thì mọi lúc mọi nơi. Những buổi tối, ngày cuối tuần ở nhà là thời gian phù hợp để chị em chúng mình tự thưởng cho bản thân những giây phút thư giãn, chăm sóc làn da, mái tóc”.
Nói về việc tìm tòi và chia sẻ cách làm tỏi đen, mẹ Trà My cho biết: “Mình thấy tỏi đen chữa được nhiều bệnh nhưng giá thành lại rất đắt, loại thấp nhất cũng đã 1,7 triệu/kg. Việt Nam tuy trồng rất nhiều tỏi nhưng chủ yếu lại nhập tỏi đen từ Nhật Bản về, nên mình quyết tâm dành thời gian tìm hiểu quy trình tự làm tỏi đen. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm các tài liệu, xem đủ các thể loại video hướng dẫn làm của các bạn Mỹ, Nhật, Anh, Đức, mình đã đúc kết ra được cách làm tỏi đen hiệu quả nhất, rút ngắn thời gian nhất và mang lại giá trị dinh dưỡng nhất. Nếu có nhiều người nhờ công thức của mình mà tự làm được tỏi đen sử dụng thì thật tuyệt”.
Cách làm tỏi đen của mẹ Nguyễn Ngọc Trà My:
– Các bạn lựa tỏi củ to, đẹp, đều nhau, mang về bóc đi một lớp vỏ mỏng nhất bên ngoài để loại bỏ bụi bẩn.
– Chuẩn bị một tờ giấy bạc to, trải đều rồi xếp tỏi vào, xếp ngay khi lấy tỏi ra khỏi thau bia – khi tỏi còn đang ướt.
– Gói giấy bạc kín tỏi, rồi cho vào nồi cơm điện, bật nút warm, giữ ấm trong 2 tuần (yên tâm không hỏng nồi đâu, và tiền điện hết tầm 10 nghìn đồng thôi nha). Khi làm, các bạn nhớ dùng màng bọc thực phẩm, bọc kín xung quanh vung nồi điện để giữ nhiệt tốt hơn, nếu là nồi điện tử thì không cần.
* Mẹo hay: Mùa này đang nắng nóng, để tiết kiệm điện và khỏi lo hại nồi, các bạn có thể tận dụng hơi nóng bằng cách, khi nắng to nhất, các bạn rút nồi điện ra rồi mang cả nồi ra nắng phơi, đến khoảng 4 giờ chiều, nhiệt độ giảm thì mang vào nhà cắm điện tiếp.
Trong quá trình làm, các bạn có thể mở nồi ra kiểm tra tỏi hàng ngày, mở vung xong đóng lại ngay, không để quá 5 phút. Sau 2 tuần ủ men, tỏi sẽ dần chuyển từ màu trắng, sang màu nâu, rồi màu đen. Khi tỏi đạt yêu cầu, nếm thấy vị hơi chua, hơi ngọt, không còn mùi nồng nguyên bản của tỏi, nghĩa là đã đạt yêu cầu. Tỏi đen thành phẩm các bạn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh trong thời gian dài.
Vì sao tỏi trắng, ủ men lại chuyển màu đen? Bởi vì quá trình lên men đã xảy ra phản ứng chuyển hóa các hợp chất chứa lưu huỳnh như methionin, cystein, methanethiol… thành những hợp chất mới chứa lưu huỳnh có khả năng tan trong nước như S-allyl-L-cysteine, alliin, Isoalliin, methionin, cycloalliin, các dẫn chất của cysteine, các dẫn chất của tetrahydro-carboline. Đây là những hợp chất rất quan trọng góp phần làm tăng tác dụng của sản phẩm tỏi đen thu được. Ngoài ra, sau khi lên men tự nhiên, hàm lượng carbohydrate đã tăng từ 28,7% (trong tỏi tươi) lên tới 47,9% (trong tỏi đen), điều này giải thích tại sao tỏi đen có vị ngọt của trái cây.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Trà My