Thời tiết thất thường, bé rất dễ bị ho, sổ mũi và sốt. Tuy nhiên, chỉ với các bài thuốc dân gian từ Quất, sau 3 – 5 ngày, nhiều mẹ trẻ đã có thể “đánh bay” cơn ho của con mà không phải dùng đến thuốc kháng sinh.
Sau đây sẽ là các công thức chuẩn từ Quất do mẹ Khánh Ly chia sẻ, các mẹ cùng tham khảo:
Công thức 1: Quất hấp đường phèn.
a. Chuẩn bị nguyên liệu:
– 5-7 quả quất.
– Đường phèn 3-4 thìa cafe.
Đây là tỉ lệ chuẩn, bạn có thể tùy thuộc vào độ tuổi để tăng sao cho phù hợp. Nhưng cần lưu ý không nên cho quá nhiều đường vì như vậy công dụng của bài thuốc sẽ giảm đi, không hiệu quả nữa.
b. Sơ chế:
– Quất để nguyên vỏ rửa sạch, vớt ra rổ để ráo. Cắt đôi quả và bỏ hạt. Việc làm này nhằm tránh tình trạng đắng sau khi chưng xong và trẻ không nuốt hạt.
c. Thực hiện:
– Trộn đường và quất đã cắt vào trong một chén sứ. Bạn có thể hấp trong cơm hoặc chưng cách thủy trong vòng 30 phút.
– Có thể hấp trong nồi cơm (ngay khi cơm cạn nước) . Sau khi hấp chín, lấy nước cho trẻ uống.
– Đối với trẻ nhỏ, bạn chắt lấy nước và cho bé uống từ 2-3 muỗng/lần và thực hiện đều đặn 3 lần/ ngày.
Công thức 2: Quất ngâm mật ong
a. Chuẩn bị nguyên liệu:
– Quất: 500gram (Chọn quả chín vàng để thơm ngon)
– Mật ong: 200ml;
– Một ít muối trắng;
– Dụng cụ đựng: hũ, lọ thủy tinh.
b. Cách làm:
– Quất rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn và chất độc. Sau đó vớt ra, để ráo.
– Thấm hết nước còn dính ở quả quất, cắt quất thành những lát mỏng, bỏ hạt. Xếp các miếng quất này vào lọ. Cứ 1 lớp quất bạn đổ 1 lớp mật ong. (Bạn cũng có thể để nguyên cả quả quất để ngâm. Nhưng cần khía xung quanh quả quất để mật ong dễ ngấm hơn).
– Đậy kín nắp lọ quất ngâm trên. Để nơi khô ráo, thoáng mát. Sau 03 ngày là có thể sử dụng được. Nhưng nếu bạn ngâm cả quả quất thì thời gian sẽ lâu hơn.
c. Cách sử dụng:
– Mật ong ngâm quất có thể dùng trực tiếp cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
– Hàng ngày, cho bé ngậm 1 thìa nước quất ngâm mật ong để phòng ho và tăng sức đề kháng.
– Đối với các bé đã lớn, bạn cũng có thể bảo trẻ ngậm miếng quất ngâm; sau đó nhai và nuốt.
– Một cách khác là bạn có thể hòa hỗn hợp mật ong quất vào nước ấm trẻ các bé uống liên tục trong 3 – 7 ngày (khi trẻ ho). Tùy thuộc lứa tuổi và tình trạng bệnh của trẻ.
Chuyên gia nói gì về bài thuốc trị ho từ quất?
Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai – Hà Nội. Vì ho ở trẻ là nhóm bệnh thường bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhiều nhất. Vì thế, để giải quyết triệt để ho – cảm ở trẻ mà không phải sử dụng đến “con dao 2 lưỡi” – kháng sinh, các vị thuốc thảo dược điển hình như Quất, Húng chanh, mật ong..nên được khuyến khích sử dụng, nhất là với trẻ nhỏ.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phân tích: Do Quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can nên Quất phát huy tác dụng trị ho, cảm, trị đờm, thông phổi đặc biệt tốt…
Mặt khác, trong quất còn có chứa các vitamin: A, C, B1, canxi, kẽm, kali… giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống cảm cúm. Vỏ quất có nhiều tinh dầu nên sẽ kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm và tống đờm ra ngoài.
Với Mật ong, nhờ có tính kháng khuẩn cao lại chứa nhiều dưỡng chất như; Sắt, can-xi, vitamin C, phốt pho, ma-giê,… Hơn nữa, Mật ong còn có khả năng sát khuẩn, làm dịu những cơn đau rát ở cổ họng hay những cơn ho dai dẳng không dứt. Vì thế, khi kết hợp 2 vị quất – mật ong với nhau sẽ tạo nên một bài thuốc chữa an toàn, hiệu quả, nhất là khi mới chớm.
Có nên dùng quất cảnh trị ho?
Đã từ lâu, thú chơi Quất cảnh được xem như một nét văn hóa đặc trưng ở gia đình Việt Nam. Và để có những cây quất cảnh đẹp, cho hoa, quả, nảy lộc đúng theo từng thời điểm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, thì việc phun thuốc trừ sâu, thuốc kích quả là không thể thiếu trong nghề trồng quất cảnh.Tùy từng giai đoạn phát triển của cây quất mà cần phun các loại thuốc có tác dụng kích lộc, kích quả, thuốc trừ sâu, kìm hoặc đẩy nhanh quá trình chín của quất… Tính trung bình, mỗi tuần người trồng quất phải phun thuốc một lần cho cây quất, tuy nhiên càng tới gần ngày mang đi bán thì chủ vườn càng phải phun nhiều thuốc hơn để giữ màu quả bóng đẹp, kích thước quả đều, bảo quản quả khỏi rụng…Đặc biệt vào những năm thời tiết không thuận, thì càng phải sử dụng nhiều thuốc hơn. Chưa kể, hiểm nguy nhiễm vi sinh vật từ đất.
Người tiêu dùng do chưa biết hết được tác hại của Quất cảnh, còn một số doanh nghiệp gia công nhỏ lẻ bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng mà cũng thu mua những quả quất này để làm thuốc. Điều này đặt sức khỏe người tiêu dùng mà chủ yếu là trẻ em vào những mối nguy lớn.
Để chế biến thuốc cho con, mẹ nên lựa chọn quất có nguồn gốc đảm bảo, kết hợp với việc chế biến chuẩn, sẽ tạo nên bài thuốc an toàn, hiệu quả cho con yêu!
—
Có thể bạn chưa biết!
Những tác dụng hữu ích của quả quất đối với sức khỏe
Quất là loại cây phổ biến ở Việt Nam vào những dịp Tết. Sau quãng thời gian chơi Tết, quả Quất sẽ được sử dụng với nhiều mục đích như làm gia vị, ngâm lấy nước, thậm chí được sử dụng như một vị thuốc hữu ích.
Quả quất (miền Nam gọi là quả tắc)có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị ho cảm, giải uất, giải rượu, có thể chế biến thành nước giải khát. Nó chứa nhiều vitamin A, C, B1, B11, và canxi, phốt pho, kali,kẽm…
Một số nghiên cứu của Nhật Bản cho biết, quả quất có tác dụng làm giảm cholesterol, bền thành mạch, có lợi cho người cao huyết áp.
Ăn quả quất giúp tăng cường hệ miễn dịch: Quả quất cũng chứa nhiều vitamin C. Vitamin C giúp kích thích sự tăng trưởng của các tế bào mới và làm tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể tránh được nhiễm trùng, vi khuẩn và nấm.
Các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho hay, trong quả quất có nhiều chất chống oxy hóa chứa proanthocyanidins, giúp ngăn ngừa vi khuẩn, giảm nhiễm trùng đường tiết niệu, có lợi cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng loại quả này để điều trị các chứng bệnh thông thường như viêm họng, ho, tắc tiếng, cảm. Có thể dùng chế biến nước giải khát như nước quất đường, nước quất ép,hoặc chỉ ngậm quất với muối, hay dùng vỏ quất sao với gừng sắc uống…
Chữa ho: Nghiên cứu hiện đại cho thấy, quả quất có chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và các vitamin, có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng virus.
Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ có trong quất hỗ trợ chuyển động đường tiêu hóa, loại bỏ chứng táo bón, đầy hơi, sình bụng, và đau bụng, đồng thời tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Ngoài tác dụng về tiêu hóa, quả quất còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Chất xơ có thể giúp tối ưu cân bằng insulin và glucose trong cơ thể.
Quất tốt cho mắt: Quất giàu vitamin A và beta carotene, giúp giảm căng thẳng oxy hóa ở các tế bào võng mạc, do đó hạn chế thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
Quất hỗ trợ giảm cân: Lượng chất xơ cao, hàm lượng nước cao, lượng calo thấp, khiến quất trở thành thực phẩm lý tưởng cho những người đang cố gắng giảm cân.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quất để giữ tươi lâu, bền đẹp thường được phun hóa chất. Do đó, nếu để trong thời gian dài, chất bảo quản ngấm vào bên trong, người sử dụng sẽ có thể bị ngộ độc.
Theo VOV