Đi tìm sự thật phía sau vụ án ‘cà phê pin’ – vụ án chấn động

0
2120

Sơn tin mọi đầu mối của câu chuyện “cà phê trộn pin” nằm ở ông B. vì ông này là người duy nhất biết trước cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Tháng Ba, những cơn lốc xoáy quét vào “thủ phủ” hồ tiêu, cà phê khiến người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn khổ. Thảm họa thiên nhiên vừa đi qua thì một thảm họa khác ập đến. Thông tin về “cà phê pin”, “tiêu pin” như một cơn bão có sức tàn phá còn hơn thiên tai khiến hai ngành mũi nhọn của tỉnh Bình Phước, Đắk Nông khốn đốn. Chúng tôi trở lại tâm bão “cà phê pin” để tìm hiểu sự thật còn ẩn giấu phía sau vụ án chấn động này.

Trở về sau khi bị triệu tập do liên quan đến vụ án “cà phê pin”, Ngô Ngọc Sơn – sinh năm 1998, làm thuê cho cơ sở của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan – ông Nguyễn Xuân Bảo (thôn 13, xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), người duy nhất còn tại ngoại sau khi vợ chồng người chủ bị bắt – tiết lộ với chúng tôi về nhân vật bí ẩn tên B. và lá thư tuyệt mệnh do ông Bảo viết ngay sau ngày đoàn kiểm tra đến làm việc tại cơ sở này.  

Di tim su that phia sau vu an 'ca phe pin' - Bai 1: Nhieu diem bat thuong quanh vu an chan dong
Lá thư tuyệt mệnh được cho là của ông Bảo viết

“Nếu tôi có chết, xin các ngành xem xét lý do”

Chuyến xe đường dài đưa chúng tôi dừng chân ở ngã ba Đồi Thông (xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) một chiều đầu tháng Năm. Mưa nhẹ, chúng tôi theo chân dăm vị khách vào quán nước ven đường. Gọi nước, giọng một vị khách nửa đùa, nửa thật: “Cho tôi ly cà phê, mà nguyên chất chứ đừng… pin nha”. Nhiều người đưa mắt nhìn, vị khách gãi đầu, bật cười. Câu chuyện “cà phê pin” nhanh chóng trở thành đề tài chung, người hoang mang, kẻ phản bác.

Nghe vậy, chị chủ quán bỗng dưng đổ quạu: “Xưởng bà Loan cách đây một cây số, mọi người cứ vào đó xem có hạt cà phê nào không? Tôi không hiểu sao người ta cứ cố tình loan tin “cà phê pin” để giết chết cà phê như vậy”.

Theo chị chủ quán, mặc dù thông tin báo chí đã chuyển sang “hỗn hợp để trộn tiêu”, nhưng tác động của thông tin “cà phê pin” quá dữ dội khiến không chỉ khách hàng hoang mang, số lượng cà phê bán ra mỗi ngày giảm đáng kể mà chính nông dân trồng cà phê cũng phẫn nộ.

Cơ sở bà Loan nằm khuất trong một con hẻm nhỏ. Vợ chồng bà Loan – ông Bảo đã bị bắt, Sơn cũng bị bắt chung nhưng được trở về ngay ngày hôm sau, hiện vẫn ở tại cơ sở cùng với hai đứa trẻ là con và cháu bà Loan. Thỉnh thoảng, họ được người thân của bà Loan từ tỉnh Đồng Nai mang thức ăn lên tiếp tế.

Sau cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, xưởng của bà Loan chỉ còn lại chiếc máy án ngữ giữa nhà (dùng chế biến hỗn hợp gồm vỏ cà phê, đất, đá nhuộm than pin); một ít “thành phẩm” của hỗn hợp; mấy chục bao tiêu lép nằm đó từ lâu, đã giăng kín mạng nhện.

Di tim su that phia sau vu an 'ca phe pin' - Bai 1: Nhieu diem bat thuong quanh vu an chan dong
Hỗn hợp vỏ cà phê, đá vụn trộn với than pin

Bốc một nắm hỗn hợp đưa chúng tôi xem, Sơn nói: “Cái này gồm vỏ cà phê, đá đã được tạt một lớp nước lõi pin. Khi công an vô kiểm tra, trong nhà bà Loan đâu có hột cà phê nào, cái máy kia cũng đâu có phải dùng để xay cà phê. Vậy mà không hiểu sao, báo chí cứ đăng cà phê rang xay được trộn pin đem đi bán, mà còn bán ra ngoài mấy tấn nữa chứ”.

Đổ mớ hỗn hợp lên mặt bàn, Sơn dạt mỏng, nói: “Anh chị coi nè, rõ ràng nó không giống cà phê, cũng chẳng giống tiêu. Nếu nói để pha trộn vô tiêu cũng đâu có phải, vì ai đi mua tiêu đều đưa lên cắn, nếm, ngửi, coi có cay không, có chắc hạt không. Nếu trộn với tiêu hạt thì thương lái nhìn mắt thường là thấy ngay, không mua; còn nếu xay trộn vô tiêu lép thì vướng đá, cũng không xay ra được”. 

Chúng tôi thử mang hỗn hợp này đến gặp một số thương lái và cơ sở thu mua cà phê, tiêu, ai nấy đều lắc đầu, cho rằng không thể giả làm cà phê hay trộn vào tiêu được. “Người mới vào nghề còn nhận ra, từ chối thu mua ngay, huống hồ những thương lái dày dạn kinh nghiệm” – chị N., một thương lái ngụ tại H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, khẳng định.

Di tim su that phia sau vu an 'ca phe pin' - Bai 1: Nhieu diem bat thuong quanh vu an chan dong
Ngô Ngọc Sơn trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM

Sơn tâm sự, do là người trực tiếp phụ ông Bảo chế biến hỗn hợp này nên Sơn cũng đã hỏi ông Bảo trộn vỏ cà phê với đá làm gì, nhưng ông Bảo không nói. Tuy nhiên, Sơn tiết lộ, sau cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, khi thông tin “cà phê trộn pin” rộ lên khắp mặt báo và một ngày sau cuộc kiểm tra, bị “giam lỏng” trong nhà mình dưới sự canh giữ của công an, ông Bảo và bà Loan đã cãi nhau nảy lửa vì bà Loan cho rằng, ông Bảo đã làm gì đó khuất tất bên ngoài nên mới có việc công an và báo chí nói cơ sở của bà chế biến cà phê trộn pin.

Sau khi thề thốt với vợ rằng, mình không làm gì bậy bạ bên ngoài, ông Bảo uống một vốc thuốc tây toan tự tử nhưng được mọi người ngăn cản. Sau đó, do không biết giải thích với vợ thế nào, ông Bảo ngồi viết lá thư tuyệt mệnh rồi tức tưởi dặn Sơn: “Nếu chú chết, hãy mang lá thư này ra giải oan cho chú”. 

Trong thư, ông Bảo viết: “… Vợ chồng tôi sinh sống, buôn bán đàng hoàng, không biết vì lý do gì, vào khoảng 2 giờ ngày 30/3, tôi bị Công an tỉnh Đắk Nông ập vào xét nhà. Nhưng tôi có giấy phép kinh doanh đàng hoàng. Họ nói kiểm tra giấy phép kinh doanh thì vợ tôi mở cửa. Họ chỉ báo là công an kinh tế, nhưng không xuất trình lệnh khám xét nhà mà đã lục tung nhà tôi và cũng không nói lý do. Nên vợ chồng tôi hoang mang. Lại cho người canh nhà tôi làm vợ tôi chửi do tôi nên mới bị xét nhà và canh trước cửa nhà.

Tôi không có cách nào kêu oan nên tôi phải uống thuốc tự vẫn, để cho các ngành, các cấp xem xét sự việc tôi nêu trên. Anh Sơn, người làm của tôi, thấy tôi uống thuốc mới tới hỏi, mấy anh được lệnh canh trước nhà báo lại là do anh H. chỉ định làm vậy. Nếu sau này tôi có chết, xin các ngành xem xét giùm lý do. Tôi dùng mạng mình để xin các ngành có liên quan xem xét và xử lý những người đã vu oan cho tôi”.

Di tim su that phia sau vu an 'ca phe pin' - Bai 1: Nhieu diem bat thuong quanh vu an chan dong
Chồng của bà Thơ trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM

Anh Sơn bày tỏ, anh không hiểu về việc “bới tung nhà bà Loan để tìm kiếm gì đó” của đoàn kiểm tra. Theo anh, việc kiểm tra này xuất phát từ mục đích, động cơ nào đó, hoàn toàn không liên quan đến cà phê hay tiêu. Không hiểu sao, tin “cà phê pin” vẫn lan nhanh khủng khiếp.

Theo ông Võ Ngọc Anh – Trưởng công an xã Đắk Wer – mặc dù có giấy phép thu mua nông sản nhưng bà Loan không thu mua nông sản và người dân cũng không bán gì cho bà. Một người dân ở xã này cho biết, sau tết Nguyên đán 2018, thỉnh thoảng, họ thấy xung quanh nhà bà Loan phơi vỏ cà phê. Tin tức bà Loan trộn hỗn hợp để tạo thành “cà phê trộn pin” khiến nhiều người không tin; sau này, thông tin chuyển thành “hỗn hợp dùng trộn vào tiêu” cũng làm nhiều người bất ngờ. 

Bởi theo người dân, có rất nhiều cách làm tiêu giả được người ta âm thầm “chấp nhận”, lặng lẽ chế biến vẫn cho lợi nhuận cao thay vì sử dụng phương pháp “nhọc nhằn” là dùng vỏ cà phê trộn đá, pha pin của cơ sở bà Loan.

Người bí ẩn biết trước cuộc kiểm tra?

Điều khiến Sơn bức xúc là, ngoài thông tin “cà phê trộn pin”, phương pháp chế biến hỗn hợp cũng đã không được truyền tải đúng sự thật. Là người trực tiếp chế biến hỗn hợp này, Sơn cho biết, từng một lần được ông Bảo nhờ đi mua pin, có mới có cũ, số lượng khoảng vài chục hộp. Sơn kể, lõi pin được tách ra, được khuấy với nước lã, sau đó dùng tạt vào hỗn hợp đá và vỏ cà phê, vừa tạt vừa trộn, sấy. Phương cách chế biến này hoàn toàn khác với “đá, vỏ cà phê ngâm tẩm với nước bột pin” mà báo chí đã thông tin.

Di tim su that phia sau vu an 'ca phe pin' - Bai 1: Nhieu diem bat thuong quanh vu an chan dong
Đống hỗn hợp ban đầu bị quy kết là “cà phê pin”, sau đó là “tiêu pin”

Sơn làm việc cho cơ sở của bà Loan vào đầu tháng 3/2018. Anh khẳng định, hỗn hợp nói trên thực chất cũng mới làm lần đầu và làm theo đơn đặt hàng của ai đó mà anh không rõ. “Lúc mới đến cơ sở bà Loan, tôi đã nhìn thấy vài chục bao hỗn hợp kiểu này, nhưng chỉ là mẫu. Khi đó, máy móc đều đóng mạng nhện, không có dấu hiệu rang xay gì cả. Khi tôi vào làm, mới bắt đầu được ông Bảo sai phụ chế biến. Mẻ đầu tiên đi giao bị trả về vì tôi nghe nói khách chê hàng to, phải làm lại, mà làm lại để giao cho ai thì tôi không biết. Tôi vào làm việc chừng một tháng thì đoàn kiểm tra đến rồi chuyện xảy ra”.

Sơn còn tiết lộ, anh khá ngạc nhiên vì quá trình lấy lời khai của cơ quan điều tra đối với riêng anh diễn ra khá… nhẹ nhàng. Sơn tin rằng, sở dĩ mình được vậy là nhờ có mối quan hệ với một người đàn ông bí ẩn tên B.

Vào tháng 11/2017, Sơn còn thất nghiệp, đang ở nhờ nhà một người quen thì gặp ông B. (khoảng 30 tuổi). Ông B. đưa Sơn về nhà mình, sau đó giúp Sơn một công việc. Làm được khoảng 20 ngày thì đến tết, Sơn nghỉ việc. Ăn tết xong, cuối tháng 2/2018, ông B. gặp Sơn, cho biết sẽ giới thiệu làm việc tại một cơ sở thu mua nông sản, là cơ sở của vợ chồng bà Loan – ông Bảo.

Sơn tâm tư: “Ông B. quen với vợ chồng bà Loan trước rồi đưa tôi đến chỗ họ làm. Nhưng tôi nghĩ là ông B. “cài” tôi vô để lấy thông tin. Từ một, hai lần nói chuyện với ông B., tôi phán đoán vậy”. 

Di tim su that phia sau vu an 'ca phe pin' - Bai 1: Nhieu diem bat thuong quanh vu an chan dong

Bên trong cơ sở của bà Loan, ông Bảo

Đưa Sơn vào làm vài ngày, ông B. bất ngờ… biệt tích hơn một tuần. Sơn kể: “Sau đó, ông B.  trở về, nói vừa đi Buôn Ma Thuột, có quen với một người bác làm công an tên Tính hay Tín gì đó.

Ông B. dặn tôi: “Nếu công an có vô đây, kêu mày làm ở đây này nọ thì điện cho anh”. Khi công an vào kiểm tra, lấy lời khai, nhớ lời dặn của ông B., tôi hỏi có cần điện thoại cho người đưa tôi vào làm không, họ bảo khỏi cần. Nhưng khi lên công an huyện, tôi nhắc lại chuyện gọi cho ông B. thì họ hỏi người đó ở đâu, đưa số điện thoại cho họ. Lúc này thì muộn rồi”.

Ngạc nhiên vì không biết có ai “đỡ lưng” cho mình hay không mà việc điều tra, lấy lời khai khá nhẹ nhàng, Sơn đã hỏi một cán bộ công an và người này cho biết: “Muốn biết thì chờ cho xong đi, bữa nào anh mời mày đi uống cà phê”.

Sơn không biết ông B. có mối quan hệ cụ thể ra sao với vợ chồng ông Bảo – bà Loan. “Nhiều người không thích ông Bảo, có thể ông Bảo gây mất lòng cho nhiều người” – Sơn giải thích rằng trong quá khứ, ông Bảo từng sử dụng ma túy và bị bắt. Sau này, trong quá trình làm việc, Sơn được biết ông chủ của mình từng bị ai đó cho xe con “bắt cóc” ba ngày.

Trước ngày đoàn kiểm tra đến cơ sở của vợ chồng ông, Sơn chứng kiến và cảm thấy bất an khi quanh nhà ông Bảo luôn có bóng dáng của người nào đó. Sơn cho rằng, người này đang theo dõi mọi động tĩnh của vợ chồng ông Bảo. Thỉnh thoảng, người này lộ diện trong vai người đi hỏi mua đất để tiếp xúc với vợ chồng ông Bảo. Ngay trong ngày đoàn kiểm tra xuất hiện, ông B. đã gọi điện cho ông Bảo, hỏi: “Anh về chưa, anh có ở nhà không”.

Dù được Sơn cảnh báo “ông B. bỏ trốn, biệt tích rồi, tìm không ra đâu”, chúng tôi vẫn đến thôn Nhân Cơ, xã Đắk Wer tìm ông B. Mẹ ông, người phụ nữ khắc khổ nói về con mình với vẻ ngao ngán: “Một tháng ba mươi ngày, nó về nhà chắc được vài ngày rồi đi. Mà tôi thì chẳng bao giờ biết nó đi đâu, sống ở đâu”.

Theo Sơn, ông B. là người sống lang bạt, công việc bấp bênh. Điều đáng nói, những ngày sau cuộc trở về từ Buôn Ma Thuột, cùng với lời dặn dò Sơn gọi điện cho ông nếu công an làm việc, ông B. còn “tung tin” mình bị u não, người rất mệt mỏi. 

Sơn tin mọi đầu mối của câu chuyện “cà phê trộn pin” nằm ở ông B. vì ông này là người duy nhất biết trước cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng cùng cái tên bí ẩn Tính hay Tín mà ông B. khẳng định là “ông bác làm công an, sắp về hưu”. Thế nhưng, khi chúng tôi đến nhà ông B., hỏi về ông bác “làm lớn” ở Buôn Ma Thuột, mẹ B. khẳng định: “Làm gì có quen ai bên đó”.

***

Qua lời kể của Sơn, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm bất thường trong vụ án “cà phê pin” chấn động vừa qua. Phải chăng ông B. nắm rõ cuộc đột kích bất ngờ của công an như lời kể của Sơn? Để làm rõ những bí ẩn quanh vụ án này, phóng viên đã lần theo đường đi của hỗn hợp lạ được cho là của bà Loan, ông Bảo sản xuất.

Đường đi của thông tin “cà phê pin” gây rúng động dư luận

Chiều 15/4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh của gia đình bà Loan. Trong chiều 15 và ngày 16, 17/4, thông tin “cà phê pin” được đưa khắp các mặt báo với tốc độ chia sẻ “chóng mặt” trên mạng xã hội, cho biết lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở bà Loan có hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn với lõi pin, “gia công” thành sản phẩm cà phê bột đem đi tiêu thụ. 

Chiều 23/4, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án hình sự, tạm giữ 5 người liên quan đến vụ trộn phế phẩm vỏ cà phê, đá với bột pin gồm: vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan – ông Nguyễn Xuân Bảo (thôn 13, xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông); bà Lê Thị Hồng Thơ và ông Trần Văn Tuấn (xã Nâm N’Jang, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông); bà Phan Thị Dung (chủ cơ sở Thảo Dung, ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Ngô Ngọc Sơn – người làm thuê cho vợ chồng bà Loan, trực tiếp trộn pin vào phế phẩm cà phê – không nằm trong danh sách bị tạm giữ hình sự. 

Chiều 26/4, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông – phát biểu: “Đến thời điểm này, có thể khẳng định hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê”. Theo đó, bà Loan khai nhận với cơ quan điều tra, hỗn hợp trên là để trộn vào tiêu.

 

Kỳ 2

Khi cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bị kiểm tra, thông tin “cà phê trộn lõi pin” lập tức bung tràn trên các mặt báo, từ báo mạng đến báo in, báo nói, báo hình. Trong hơn 10 ngày đầu xảy ra vụ việc, khi cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, và đường đi của hỗn hợp này không hề dính dáng đến cà phê thì thông tin “cà phê pin” đã hoàn toàn “chiếm sóng” dư luận. Tiếp sau đó, từ “cà phê” được thay bằng “tiêu”.

Lần theo đường đi của hỗn hợp “lạ” gồm vỏ cà phê trộn với sỏi và than pin từng làm dậy sóng dư luận, chúng tôi nhận ra, hoặc đây là sự nhầm lẫn, hồ đồ, hoặc có bàn tay ai đó đã cố tình tác động. Đến nay, vẫn chưa có công bố rõ ràng mục đích sản xuất hỗn hợp “lạ” của bà Loan, vì cơ sở Thảo Dung ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũng chỉ là điểm tập kết, và chưa rõ từ đó, hỗn hợp sẽ đi đâu. Nhiều người trong ngành hồ tiêu khẳng định, hỗn hợp trên không thể giả làm tiêu hạt được, vì chỉ cần nhìn, ngửi là nhận ra ngay.

Tù mù mục đích

Nhiều lần tiếp xúc với Ngô Ngọc Sơn (người làm công cho bà Loan), hễ chúng tôi nhắc đến “cà phê pin”, anh lại lộ vẻ khó chịu, vì bà Loan đã khai hỗn hợp này dùng để trộn vào tiêu. Theo thông tin mà cơ quan chức năng cung cấp rộng rãi cho báo chí, bà Loan khai nhận chế biến hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi với than pin nhằm trộn vào tiêu, bán kiếm lời (cũng có thông tin bà khai để vay vốn ngân hàng). Từ cơ sở của bà Loan, hỗn hợp này được bán cho bà Lê Thị Hồng Thơ và ông Trần Văn Tuấn ở H.Đắk Song, tỉnh Đăk Nông để chở xuống giao cho bà Phan Thị Dung ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”

Chồng của bà Thơ trong cuộc trò chuyện với phóng viên

Theo đường đi của hỗn hợp này, chúng tôi lần về H.Đắk Song. Cơ sở kinh doanh Tịnh Thơ của bà Thơ nằm ở thôn 5, xã Nâm N’Jang không lớn, chủ yếu là nơi “quá giang” hàng nông sản. Vợ chồng bà Thơ không sơ chế nông sản mà chủ yếu mua cà phê, tiêu mang tập kết tại cơ sở rồi bán đi trong quãng thời gian ngắn. Vợ chồng bà Thơ thường trú tại tỉnh Bình Phước; khoảng 3 – 4 năm trước, họ về H.Đắk Song mua đất, dựng cơ sở làm ăn. Cơ sở này ít mở cửa, không thu mua trong dân và bà Thơ cũng ít tiếp xúc với mọi người trong vùng. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với chồng bà Thơ diễn ra trong sự ngần ngại của người đàn ông này. “Mình chỉ nắm bịch mẫu rồi đưa đi cho bà Dung chứ có mua bán gì đâu mà người ta đổ tội” – chồng bà Thơ nói gọn. Hàng mẫu, nghĩa là làm theo đơn đặt hàng. Vậy, “hàng mẫu” do ai đặt, để làm gì?

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”.

Các tờ báo lớn của thế giới đề cập vụ cafe trộn pin tại Việt Nam. Tờ China Daily giật tít: Nước xuất khẩu cafe thứ 2 thế giới bị khui cafe trộn pin

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, ông Trần Văn Tuấn được xem là người cùng thu mua hỗn hợp với bà Thơ. Tuy nhiên, chồng bà Thơ cho biết, ông Tuấn chỉ là người lái xe thuê cho vợ ông. Chuyện Tuấn bị bắt với vai trò thu mua trong vụ việc này khiến không ít người bất ngờ. Bà Tâm – vợ ông Tuấn – uất ức: “Hôm đó, tôi về Quảng Nam đi đám cưới, lúc trở lên thì hay tin chồng bị bắt. Tôi ngã ngửa vì anh Tuấn chỉ là người chở thuê, có biết mua bán gì đâu. Ảnh cũng không lanh lợi gì, nên chỉ được bà Thơ giao một nhiệm vụ là bốc hàng rồi chở đến điểm bán”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”.

Vợ của tài xế Tuấn: “Tôi không tin ổng đi buôn “tiêu pin”

Sau khi bị bắt, có một lần, ông Tuấn gọi điện về cho vợ, bà Tâm nói: “Có muốn nhận tội cũng phải nghĩ đến gia đình, chứ không phải ưng nhận thì nhận”. Sở dĩ bà Tâm nghi chồng mình “nhận đại” việc tham gia mua bán hỗn hợp là do có ân nghĩa với bà Thơ. Khoảng 3 năm trước, khi vợ chồng bà còn “chân ướt chân ráo” từ Quảng Nam lên Đắk Nông lập nghiệp, ông Tuấn được bà Thơ nhận lái xe cho mình.

Bà Tâm khẳng định, khi hỗn hợp sỏi, vỏ cà phê trộn than pin trở thành “cà phê pin”, sau đó được diễn giải “dùng để trộn tiêu”, bất cứ ai cũng không thể tin được trên đời này lại có một phương cách chế biến gian dối, độc ác như vậy, nhưng bà cũng “không nghĩ ra được tạp chất đó để làm gì”. Sống giữa “thủ phủ” cà phê, tiêu và có cả người nhà kinh doanh mặt hàng này, bà Tâm không lạ gì những thủ thuật trộn tạp chất vào cà phê, tiêu mà người dân vẫn làm và được chấp nhận. “Hỗn hợp này không thể nào chế biến thành cà phê. Còn nói trộn vào tiêu để ăn gian cân nặng thì không nhất thiết phải dùng đá, vỏ cà phê với pin. Chỉ cần mua tiêu bụi, tiêu lửng, thậm chí lấy đất trộn vô là được” – bà Tâm nói.

Ngược về xã Hưng Thủy, H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nơi có cơ sở Thảo Dung, chúng tôi được ông Mã Văn Chính – Chủ tịch UBND xã này – thổ lộ: “Trước nay, tôi chưa bao giờ nghe ai nói trộn tiêu kiểu này”. Theo ông Chính, hỗn hợp này không có chút gì giống với tiêu hạt, nên sẽ phi lý nếu nói nó được làm ra để trộn với tiêu hạt.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”

Công ty Thảo Dung (Bình Phước) được cho là điểm đến cuối cùng của “tiêu pin”

Cơ sở Thảo Dung của vợ chồng bà Dung ở xã Hưng Thủy đã tồn tại gần mười năm qua, chưa từng bị kiểm tra, xử phạt. Ngày 26/4, bà Phạm Thị Ngọc – Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước – cho biết, qua kiểm tra, ngoài 3 tấn hỗn hợp vỏ cà phê, đá pha pin cùng 9 tấn tiêu có phối trộn hỗn hợp này đã bị niêm phong, thu giữ, cơ sở của bà Dung có khoảng 180 tấn hạt tiêu lửng, khoảng 90 tấn hạt tiêu lép và 25 tấn hạt tiêu chắc, nhưng không có mặt hàng cà phê.

Theo kết luận từ cơ quan điều tra, hỗn hợp này chưa bị bán ra cho người dân sử dụng. Sự may mắn đó vẫn không làm ông Chính nhẹ lòng. Ông nói: “Vụ việc này gây tổn thất lớn cho người nông dân. Chỉ có người nông dân trồng cây cà phê, trồng tiêu là chịu thiệt. Bây giờ trồng tiêu rất khó, bởi giống tiêu ngày nay không khỏe, có khi đang trồng hoặc đang thu hoạch thì cây tiêu thi nhau chết. Đã khổ càng thêm khổ. Tin tức từ vụ việc này giống như giết người hàng loạt vậy”. Ông Xuân – một nông dân trồng tiêu ở H.Lộc Ninh – cũng đau đáu: “Giá tiêu rớt thảm hại lâu nay rồi, bây giờ thêm tin này chẳng khác nào tiệt đường sống của chúng tôi”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”

Lá thư tuyệt mệnh được cho là của ông Bảo viết

Cho đến nay, vẫn chưa có những công bố cần thiết từ cơ quan chức năng như: bà Loan bắt đầu chế biến hỗn hợp này từ khi nào, ai nghĩ ra phương pháp chế biến này, trường hợp là “hàng mẫu” thì được đặt từ ai, thỏa thuận bán mua ra sao? Vì sao B., người đưa Sơn vào làm trong cơ sở bà Loan lại biết trước có cuộc kiểm tra này? Vì sao Sơn, người mà nhẽ ra là tòng phạm với bà Loan trong vụ án này, lại được ra về nhanh chóng cùng lời hẹn “bữa nào anh mời mày đi uống cà phê” của một cán bộ công an? Điểm cuối của hỗn hợp được “tập kết” tại cơ sở của bà Dung với chứng cứ là 9 tấn đã phối trộn hỗn hợp vào tiêu, vậy bà Dung có hợp đồng bán cho ai hay có kế hoạch phát tán ra thị trường như thế nào… vẫn là ẩn số, mục đích của việc trộn hỗn hợp vào tiêu vẫn rất tù mù.

Nhưng có một thực tế là, ngành tiêu đã vướng lụy, và trước đó, dù trong thành phần hay đường đi của hỗn hợp chưa từng xuất hiện bóng dáng một hạt cà phê nào, tin “cà phê trộn pin” đã rộ lên với sự chấn động chưa từng có. Đây là sự hồ đồ, nhầm lẫn hay có bàn tay nào “đạo diễn” nào đó?

Ai tung tin “cà phê pin”?

Ngày 15/4, sau khi cơ sở của bà Loan bị kiểm tra, thông tin “cà phê trộn lõi pin” bùng nổ trên các mặt báo, từ báo mạng đến báo in, báo nói, báo hình. Người tiêu dùng hoang mang, nông dân trồng cà phê điêu đứng, ngành cà phê đứng trước nguy cơ “sụp đổ”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”

Lá thư tuyệt mệnh được cho là của ông Bảo viết

Ngày 20/4, tại hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm khu vực phía Nam được tổ chức ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chương – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông – đã có những tiết lộ mà theo đánh giá của giới chuyên môn là “khủng khiếp”. Theo đó, ông Chương nói rằng, trong quá trình xử lý vụ việc, “có sự tham gia của một đồng chí công an và người này có mối liên quan với báo chí. Không biết thế nào, nổ ra một số thông tin và thông tin này được khai thác thành những vấn đề rất là…” (ông Chương bỏ lửng câu nói – PV). Mong muốn làm rõ hơn việc “có sự tham gia của một đồng chí công an và người này có mối liên quan với báo chí”, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Chương nhưng tiếc rằng, ông này cho biết hiện đang đi học ở Đà Nẵng, phát ngôn trên đã khiến ông phải giải trình nên từ chối làm việc.

Ngày 23/4, bên cạnh luồng thông tin bùng phát, có nguy cơ xóa sổ mặt hàng cà phê nội địa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khởi tố, điều tra vụ việc. Dưới sự điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông, bà Loan khai nhận “hỗn hợp dùng để trộn tiêu”. Chiều 26/4, trong cuộc họp báo thông tin về vụ việc, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Đăk Nông – nói: “Đến thời điểm này, có thể khẳng định hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”

Bên trong cơ sở của vợ chồng bà Loan – ông Bảo. Bên trái là đống tiêu lép bất di bất dịch đã lâu, mạng nhện giăng kín

Trong hơn 10 ngày đầu xảy ra vụ việc, khi cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, và đường đi của hỗn hợp này không hề dính dáng đến cà phê thì thông tin “cà phê pin” đã hoàn toàn “chiếm sóng” dư luận. Ngành cà phê với nỗi oan ức “cà phê pin” liệu có được hóa giải sau tuyên bố này của ông Lộc thay cho lời “đính chính” thông tin?

Một cán bộ đang công tác tại Hội Khoa học và công nghệ thực phẩm Việt Nam băn khoăn: “Thông tin “cà phê pin”, “tiêu pin” gây chấn động dư luận xã hội, ảnh hưởng lên ngành thực phẩm, nhưng xem xét kỹ thì hỗn hợp pin này rất khó có thể trộn vào để làm giả cà phê hay tiêu, vì khi ra thị trường, sẽ bị phát hiện ngay. Có thể việc trộn như vậy là trường hợp cá biệt, xuất phát từ ý tưởng điên rồ của một nhóm người. Rất may, hỗn hợp đó cũng chưa được bán ra thị trường làm thực phẩm. Việc tung tin sai lệch về cà phê trộn lõi pin khiến người tiêu dùng hoang mang, và đương nhiên ảnh hưởng đến ngành cà phê. Cái này thì cơ quan chức năng cần làm rõ ai tung tin, tung tin vì mục đích gì, có động cơ xấu hay không”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 2: Đường đi “lạ” của hỗn hợp “lạ”

Nhà và cơ sở bà Loan nhìn từ bên ngoài

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, ngay từ đầu, việc bà Loan trộn hỗn hợp “lạ” không liên quan đến cà phê nhưng ai đó đã vội vàng tung tin “cà phê pin” thì đúng là có âm mưu đen tối làm ảnh hưởng xấu đến ngành cà phê Việt Nam, gây thiệt hại cho người trồng, sản xuất, mua bán cà phê. Do đó, cần điều tra, xác minh cụ thể và xử lý người vi phạm.

KỲ 3

Với diễn tiến kỳ lạ của vụ việc, cộng với những gì chúng tôi thu thập được, có thể đặt nghi vấn về một kịch bản được dàn dựng để phao tin sai lệch nhằm “đánh” vào ngành sản xuất cà phê trong nước.

Theo những thông tin chúng tôi thu thập được, toàn bộ diễn tiến của vụ án “cà phê pin” được sắp xếp như một kịch bản được dàn dựng công phu.

Sắp xếp và biết trước buổi kiểm tra

Tháng 3/2018, một người đàn ông tên B. – ngụ tại thôn Nhân Cơ, xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông – giới thiệu Ngô Ngọc Sơn vào cơ sở của vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Loan – Nguyễn Xuân Bảo (thôn 13, xã Đắk Wer) làm việc. Chính Sơn thừa nhận, qua một vài lần trò chuyện với ông B., Sơn đoán ông này cài mình vào cơ sở của vợ chồng bà Loan để lấy thông tin.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Hỗn hợp vỏ cà phê, đá vụn trộn với than pin

Đáng nói, ngày 15/4, đoàn liên ngành tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra cơ sở của bà Loan. Thế nhưng, nhân chứng Sơn khẳng định với chúng tôi, người đàn ông tên B. dường như đã biết cuộc kiểm tra từ hơn một tuần trước và còn dặn: “Nếu công an có vô đây, kêu mày làm này nọ thì điện cho anh”.

Vậy, đây không còn là cuộc kiểm tra bất ngờ. Ngay trong ngày đoàn kiểm tra xuất hiện, nhân vật tên B. cũng thường xuyên gọi điện dò hỏi ông Bảo “anh về chưa, anh có ở nhà không” như để chắc chắn rằng, có ông chủ cơ sở trong nhà.

Sơn là người giúp sức tích cực cho vợ chồng bà Loan trong việc trộn hỗn hợp “lạ”. Thế nhưng, theo lời kể của Sơn, quá trình lấy lời khai với anh ta diễn ra khá nhẹ nhàng. Khi Sơn hỏi một cán bộ điều tra, người này nói: “Muốn biết thì chờ cho xong đi, bữa nào anh mời mày đi uống cà phê”. Từ những thông tin mà nhân chứng Sơn cung cấp, người ta không khỏi hoài nghi về vai trò của nhân vật B. trong cuộc kiểm tra.

Ngay cả Sơn cũng bức xúc cho biết: “Sau vụ ông Bảo bị bắt, ông B. mất tích luôn, còn loan tin mình bị u não nữa. Em nghi ngờ ổng biết hết mấy chuyện này và đang tránh mặt để che giấu bí mật gì đó có liên quan đến việc vợ chồng bà Loan bị bắt”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Ngô Ngọc Sơn trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM

Ngày 20/4, tại hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm khu vực phía Nam được tổ chức ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chương – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông – phát biểu rằng, có “một đồng chí công an” tham gia vào việc làm lan truyền thông tin “cà phê pin”. Đây là một thông tin rất quan trọng.

Đáng chú ý, ông Chương là người trực tiếp tham gia buổi kiểm tra ở cơ sở của bà Loan. Thế nhưng sau đó, chẳng ai quan tâm đến người cố tình loan tin sai sự thật. Đáng tiếc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng ông Chương từ chối trả lời.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, cơ sở của bà Loan chỉ mới sản xuất hỗn hợp “lạ” theo đơn đặt hàng. Toàn bộ hỗn hợp sản xuất ra, đưa đến cơ sở của bà Phan Thị Dung ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì bị thu giữ. Điều này khiến không ít người đặt nghi vấn về mục đích sản xuất hỗn hợp “lạ” của bà Loan. Ai là người thuê bà Loan sản xuất? Phải chăng “đơn đặt hàng” là một thòng lọng được buộc trước để siết cổ người sản xuất ra nó, thậm chí là ngành cà phê, hồ tiêu?

Một số luật sư cho rằng, nếu bà Loan chỉ sản xuất hỗn hợp “lạ” theo đơn đặt hàng mà không biết người mua sẽ làm gì với hỗn hợp đó, có trộn vào làm thực phẩm hay không thì rất khó để kết tội. Bởi, người ta cũng có thể dùng hỗn hợp trên để làm phân bón.

“Thả nổi” thông tin sai sự thật

Tại buổi kiểm tra cơ sở của bà Loan hôm 15/4, cơ quan chức năng chỉ thu giữ được một đống hỗn hợp gồm đá + vỏ cà phê + lõi pin bị trộn lẫn với nhau. Như ông Chương phát biểu, thông tin “cà phê pin” là “từ một đồng chí công an” lan ra bên ngoài. Ngay hôm sau, nhiều tờ báo đồng loạt giật tít “cà phê pin” khiến dư luận một phen điên đảo. Trong gần hai tuần, “cà phê pin” trở thành đề tài “chiếm sóng” trên mạng xã hội.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Bên trong cơ sở của bà Loan, ông Bảo

Suốt 10 ngày liền, có hàng trăm bài báo đưa thông tin sai sự thật về “cà phê pin”, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông lại “thả nổi” cho thông tin này mặc sức tung hoành, lan ra tận các mặt báo nước ngoài. Nhiều người còn lập trang “Cà Phê Pin” trên Facebook với mục đích câu like.

Đến nay, trang này vẫn ngang nhiên tồn tại. Mãi đến ngày 26/4, Công an tỉnh Đắk Nông mới tổ chức họp báo, đưa ra thông tin rằng, hỗn hợp do bà Loan sản xuất được trộn vào hồ tiêu chứ không phải cà phê. Công bố này có vẻ chưa đủ sức nặng để đánh tan thông tin sai sự thật về “cà phê pin” trước đó.

“Cà phê pin” được chuyển hướng sang “tiêu pin”, nhưng theo chúng tôi được biết, cơ sở Tịnh Thơ do bà Lê Thị Hồng Thơ làm chủ cũng chỉ mua của bà Loan “hàng mẫu” đem xuống Bình Phước. Hỗn hợp “lạ” vừa được chuyển đến cơ sở của bà Phan Thị Dung thì đã bị cơ quan chức năng thu giữ và vẫn chưa “chế biến” thành thực phẩm để “tuồn” ra thị trường.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?.

Các tờ báo lớn của thế giới đề cập vụ cafe trộn pin tại Việt Nam. Tờ China Daily giật tít: Nước xuất khẩu cafe thứ 2 thế giới bị khui cafe trộn pin

Những diễn biến trên khiến người ta liên tưởng đến “kịch bản” cho một cuộc vây bắt và loan tin. Khi mà thông tin “cà phê pin” không đủ sức thuyết phục, người ta bẻ lái sang “tiêu pin”.

Trong khi mọi việc chưa sáng tỏ, với những gì chúng tôi thu thập được, cho thấy sự thật khác với thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí trước đó. Và vì sao các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin sai lệch hoàn toàn so với công bố ban đầu? Mong rằng cơ quan chức năng sớm công bố kết quả điều tra “hợp lý”, thuyết phục để minh định bản chất vụ việc.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Với ngành cà phê, những luồng thông tin vừa qua là một cú sốc lớn. Luật Quảng cáo quy định cấm nói xấu đối thủ, nhưng những “trò bẩn” triệt tiêu thương hiệu lẫn nhau vẫn diễn ra dưới hình thức giấu mặt.

Xung quanh vụ trộn hỗn hợp gồm vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ với than pin xảy ra tại tỉnh Đắk Nông mà báo chí và mạng xã hội vội vã, dồn dập đăng tin “cà phê pin”, sau đó được công an “đính chính” thành “hỗn hợp dùng để trộn vào tiêu”, chúng tôi ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TP.HCM)

Báo Phụ Nữ đã cung cấp một góc tiếp cận sự thật khá bất ngờ

Sự thật phía sau vụ án “cà phê pin”, nói đúng hơn, đến giờ này là “tiêu pin” đang tiếp tục được cơ quan chức năng xem xét, điều tra làm rõ. Báo Phụ Nữ đã và đang cung cấp cho bạn đọc (và tôi nghĩ cả cơ quan chức năng) một khía cạnh tiếp cận sự thật khá bất ngờ để đi đến minh định bản chất sự việc, tránh những tổn hại và ngăn ngừa tổn hại đổ xuống vai người nông dân sản xuất cũng như những tổn thất về hình ảnh thương hiệu, sức tiêu thụ trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu với hai dòng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là cà phê và hồ tiêu.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu

Nông dân trồng tiêu, cà phê đã lao đao nay thêm phần khốn đốn. Đó là một sự thật đã và đang hiện hữu, nếu không có câu trả lời cuối cùng cho hàng loạt câu hỏi về bản chất của vụ việc từ giá trị lợi nhuận của việc trộn lõi pin vào tiêu so với trộn tiêu bụi, tiêu lửng cho đến vợ chồng bà Loan thực hiện theo đơn đặt hàng từ ai, từ đâu; lượng hàng ấy đã phân phối ra thị trường nào… thì sự lây lan thông tin sẽ tiếp tục đẩy nông dân vào chỗ tay trắng.

Không những thế, ngay sau ngày 15/4, khi vụ việc tràn lan trên mọi phương tiện thông tin báo chí trong nước thì trong 3 ngày 18-19-20/4, trên nhiều tờ báo lớn nước ngoài (Reuters, Newsweek, The Straits Times, The Asian, The Star, Nhật báo Trung Quốc, Đêm Bắc Kinh, Kênh Thông tin…) đồng loạt đưa tin “cà phê pin” của nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, mãi đến ngày 26/4, tại phiên họp báo công bố chính thức về vụ việc này, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, đến thời điểm này (tức ngày 26/4), hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cà phê. Đáng tiếc, dòng đính chính muộn màng này đã không hề xuất hiện trên các phương tiện báo chí quốc tế, mà sau đó, chính đại diện Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương thừa nhận tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2018, ngành xuất khẩu cà phê đã bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố truyền thông “cà phê trộn lõi pin”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm 2018, khối lượng xuất khẩu cà phê tăng nhưng giá trị bình quân lại giảm (gần 14%) so với cùng kỳ năm 2017. Là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê nhưng chủ yếu ta xuất khẩu dòng cà phê nhân (dưới dạng thô), giá trị gia tăng không cao. Tỷ lệ xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan khá thấp. Trong khi sự chinh phục các thị trường đẳng cấp toàn cầu chưa đạt mà biểu hiện là cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu; thì luồng thông tin “cà phê pin” phủ sóng truyền thông trong nước lẫn khu vực, quốc tế, đó là thiệt hại kép.

Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt theo tinh thần của Chỉ thị số 12, ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế” nhưng sự chuyển động của các cấp là chưa đồng bộ nên dẫn tới còn nhiều lúng túng, thụ động của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Không tạo được những bước đi căn bản để tiến tới cân bằng giá trị cạnh tranh, lại còn bị “vấy” bởi môi trường truyền thông lập lờ (đang với hồ tiêu), sai lệch (với cà phê), rõ ràng, an ninh kinh tế – trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và các mặt hàng thế mạnh quốc gia – đang thiếu tính bền vững, cần được xem xét, khảo sát, đánh giá và có giải pháp trước mắt lẫn lâu dài để ít nhất, nông dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính không rơi vào “bi kịch ngay tại sân nhà”.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Đại biểu Quốc hội Ngô Thanh Danh

Đại biểu Quốc hội Ngô Thanh Danh – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông:

Người trồng cà phê đã khóc!

Quả thật, thông tin “cà phê pin” đã gây náo loạn dư luận, khiến đời sống của người trồng và tiêu thụ cà phê bị ảnh hưởng nặng nề. Người trồng cà phê rất hoang mang vì không biết mình trồng ra có tiêu thụ được không. Anh chị em tôi cũng trồng cà phê, tất cả rất buồn. Người dân trồng cà phê khóc luôn. Dù cà phê sau đó đã được “giải oan” nhưng thông tin “giải oan” thì quá ít mà không phải ai cũng theo dõi thông tin đính chính.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Báo giới quốc tế cũng vậy, nên chắc chắn ảnh hưởng xấu tới thương hiệu cà phê của Việt Nam. Qua những gì báo tìm hiểu và phân tích, chúng ta cũng không loại trừ yếu tố: nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thế giới có thể lợi dụng đẩy thông tin “cà phê pin” lên nhằm hạ thấp uy tín của cà phê trong nước.

Tôi đã có cuộc làm việc tại xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp và yêu cầu báo cáo về vụ việc thì thông tin từ địa phương cũng cho biết là, khi cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, có một người trong đoàn đã nói ngay việc này cho báo chí khiến thông tin bị báo giới chộp giật và đưa lên vội vàng, sau đó còn chế biến, xào nấu khiến thông tin sai lệch hoàn toàn so với thực tế. Người phát ngôn này hiện tại vẫn chưa biết là ai. Chính quyền tỉnh sau đó giao cho Chánh văn phòng UBND tỉnh và cơ quan điều tra phát ngôn chính thức.

Bên cạnh người phát ra tin chưa chuẩn xác, các cơ quan báo chí cũng đăng tải khi chưa kịp điều tra, xác minh cho đầy đủ. Cơ quan truyền thông cần chịu trách nhiệm về thông tin của mình, bởi điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM:

Xây dựng thương hiệu khó, phá hoại chỉ cần vài giây

Trong vụ này, chúng ta thấy cần có đầu mối cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm việc thông tin tuyên truyền, tránh để cho một số phóng viên nóng vội, cơ quan công an chưa điều tra xong đã giật tít ầm ầm là “cà phê pin”, sau đó là “trộn hỗn hợp có pin vào tiêu”. Nhìn vào phân tích diễn tiến vụ việc là thấy vô lý ngay. Chúng ta có thể sa đà vào ý đồ phá hoại của những thế lực nào đó. Và cuối cùng ai là người trả giá? Người tiêu dùng thì hoang mang, nông dân là người trả giá nhiều nhất. Từ cà phê cho tới tiêu đều khốn đốn.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan

Không phải chúng ta không có những vụ việc trước đó. Vụ nước mắm nhiễm asen, vụ trà Thái Nguyên trộn đất, đá vào để phá hoại thương hiệu. Tôi xin nói rằng, xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng phá nó chỉ cần mấy giây thôi. Chúng ta không lường trước được hậu quả gây ra. Tôi nghĩ vụ việc này không chỉ báo chí mà các ngành cũng có lỗi, khi không ai đứng ra, về góc độ quốc gia, để trả lời và định hướng đúng cho dư luận.

Với thông tin lấy than trong lõi pin để nhuộm đen, làm giả dạng cà phê thì lẽ ra báo chí phải đặt dấu hỏi là tại sao không mua than luôn mà lại mua pin rồi lấy lõi pin? Một chuyện quá vô lý, nên nếu có như vậy thật, cũng phải chờ công an điều tra để xem như thế nào.

Câu chuyện cho thấy vụ việc còn nhiều uẩn khúc nên cơ quan chức năng cần làm rõ. Hiện vẫn còn tình trạng “ba bộ”. Việc này Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ Công thương trả lời? Kết quả là không biết hỏi ai. Nếu vậy, trong thời gian tới, có những vụ việc tương tự thì sao?

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh – Bí thư đảng ủy Tỉnh đoàn Bình Phước:

Cơ quan chức năng cần công bố chính thức, nhanh chóng

Ngay sau khi có thông tin hồ tiêu Bình Phước liên quan tới sự việc sử dụng hỗn hợp trộn than pin để làm giả, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã vào cuộc để tìm hiểu, xử lý ngay. Thông tin này ảnh hưởng rất lớn tới sản phẩm, bởi ngoài tiêu thụ nội địa, hồ tiêu còn được xuất khẩu với nhiều hợp đồng lớn.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh

Thông tin không chính thống, đẩy trường hợp cá biệt lên, sẽ ảnh hưởng tới toàn cục và gây thiệt hại kinh tế lớn. Ngay sau khi thông tin đưa ra, giá tiêu bỗng dưng “tuột” mạnh, chỉ còn từ 50.000-70.000 đồng/kg, trong khi mức giá cao nhất của năm 2017 là 200.000 đồng/kg.

Bình Phước là một trong những địa phương lớn tiêu thụ cà phê từ Đắk Nông. Sau khi xảy ra vụ việc, tôi đã tiếp xúc với cử tri và những người dùng cà phê, họ nói hạn chế sử dụng và rất muốn cơ quan chức năng công bố một cách chính thức, nhanh chóng vì sao lại có những thông tin như vậy.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang:

Những “trò bẩn” triệt tiêu thương hiệu lẫn nhau vẫn diễn ra

Với ngành cà phê, những luồng thông tin vừa qua là một cú sốc lớn. Luật Quảng cáo quy định cấm nói xấu đối thủ, nhưng những “trò bẩn” triệt tiêu thương hiệu lẫn nhau vẫn diễn ra dưới hình thức giấu mặt.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang

Thường thì họ đi theo một quy trình: một doanh nghiệp X. nào đó thuê một công ty truyền thông xây dựng kịch bản; nhận tiền từ doanh nghiệp X., công ty truyền thông này chi cho kịch bản như người đóng vai, người viết bài, thậm chí công an. Vậy thì, nếu đủ căn cứ xác định đó là “trò bẩn”, mình phải vạch mặt họ ra thôi, để thấy cái sai và xử lý hình sự “trò bẩn” này bằng những chứng cứ xác thực.

Qua những gì báo nêu, tôi suy đoán: có thế lực nào đó có ý đồ làm hư ngành cà phê. Nhưng họ là ai thì cần phải đi tìm. Sau đó, ai làm đúng, ai làm sai thì đã có luật đối chiếu. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã là lá cờ đầu trong vấn đề dùng truyền thông hóa giải truyền thông. Nhưng câu chuyện này cần có một mặt trận khác để xử lý đến cùng: mặt trận pháp lý. Về phía dư luận, những thông tin trên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã giải tỏa một phần, nhưng cần phải lật mặt vấn đề. Tôi cho rằng, cần có một cơ quan điều tra phối hợp để Báo Phụ Nữ TP.HCM không đơn độc, để đủ sức tìm hiểu rõ mọi vấn đề.

Bên cạnh đó, câu chuyện này cho thấy, vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng còn yếu. Nếu mặt trận đó mạnh như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã làm, sẽ góp phần lành mạnh hóa sản phẩm đi từ sản xuất cho đến tiêu dùng, bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

Đi tìm sự thật phía sau vụ án 'cà phê pin' - Bài 3: Kịch bản được dàn dựng tinh vi?

Ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa)

Thực hiện: Nhóm Phóng Viên
Thiết kế: Ngô Tới