Du khách bị đánh bất tỉnh tại chợ đêm Đà Lạt

0
1874

Một nữ du khách đã bị nhóm người thuộc quán cơm ở chợ đêm Đà Lạt hành hung đến bất tỉnh phải chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Khoảng 19h30’ ngày 6-3, một nhóm du khách trong đó có chị N. T. C. V (20 tuổi), ngụ tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) và chị S. P. A (28 tuổi), người Mỹ gốc Việt đến chợ đêm Đà Lạt chơi. Khi tới đầu chợ, nhóm khách trên được một thanh niên mời vào ăn cơm tại quán của phụ nữ tên Thủy.

Chị S. P. A bị đánh bất tỉnh

Theo trình bày của chị V, nhóm của chị gọi 4 đĩa cơm gà và 2 đĩa cơm sườn, sau đó chủ quán đem ra một tô canh với giá 100.000 đồng. Do không gọi cả tô canh mà chỉ gọi chén canh đi kèm theo đĩa cơm nên nhóm khách trên từ chối không nhận. Quá trình ăn, nhóm khách chê cơm bị nguội nên giữa hai bên bắt đầu phát sinh mâu thuẫn.

Chị S. P. A dẽ miếng thịt gà kho ra thì phát hiện bên trong vẫn còn máu nên đã phàn nàn với chủ quán là thịt gà chưa chín. Chủ quán khẳng định thịt gà đã chín và phản ứng với khách.

Thời điểm nhóm khách người nước ngoài đang sơ cứu cho chị S. P. A

Hai bên tiếp tục phát sinh mâu thuẫn.

Chủ quán đem ra một đĩa cơm nữa nhưng nhóm khách từ chối vì đã gọi tính tiền do không còn tâm trạng để ăn cơm.

Khi ra ngoài, chị N. T. C. V đưa điện thoại lên chụp hình quán cơm thì bị chủ quán phát hiện, la lớn là khách chưa trả tiền, đồng thời hô “nó chụp hình đăng facebook, chặn nó lại!..”.

Lực lượng 115 tới đưa nạn nhân tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

Lúc này, nhóm người khoảng 3 nam và 3 nữ xuất hiện, hung hãn vây quanh, lao vào đánh chị S. P. A và chị N. T. C. V. Chị S. P. A bị nhóm người phía quán cơm quây đánh dữ dội, đập đầu xuống đường dẫn đến bất tỉnh tại chỗ.

Khu vực quán cơm vào thời điểm xảy ra vụ hành hung du khách. Ảnh chị V chụp trước khi rời quán

Một nhóm du khách người nước ngoài đã tới hỗ trợ, sơ cứu chị S. P. A nhưng nạn nhân không có dấu hiệu hồi phục. Người dân đã phải gọi xe 115 chuyển chị tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Chị N. T. C. V bị nhóm người trên đấm đá, gây trầy xước, chảy máu vùng mặt.

Lực lượng Công an phường 1, TP Đà Lạt đã có mặt để giải quyết vụ việc

Ngay sau đó, lực lượng Công an phường 1, TP Đà Lạt cũng đã có mặt mời nhóm khách về Công an phường để tường trình lại vụ việc. Các đối tượng có liên quan đến vụ hành hung trên cũng đã bị Công an triệu tập để làm rõ.

Vụ hành hung dã man trên xảy ra đúng vào giờ cao điểm khách du lịch tới chợ đêm Đà Lạt gây ra hình ảnh hết sức phản cảm. Nhiều người chứng kiến sự việc đã tỏ ra rất bất bình nhưng không ai dám vào can ngăn vì sợ bị hành hung.

Đà Lạt là một trong những điểm du lịch hút khách của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng “chặt chém” du khách vẫn thường xuyên diễn ra, khiến nhiều người mất cảm tình.

Đà Lạt đang phải đối mặt với những vấn đề trong quản lý du lịch khi lượng khách đến đây ngày một đông. Cảnh quan tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ là điều thu hút du khách. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ và những chiêu “chặt chém” khiến nhiều người bực bội và không hài lòng, thậm chí còn tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại đây.

Giá cả “trên trời” ở chợ đêm

Khu chợ đêm Đà Lạt là điểm đến yêu thích của du khách, với đủ món đặc sản hấp dẫn. Tại đây, du khách có thể tìm thấy các loại bánh, mứt, bún, miến… rất hợp để thưởng thức trong không khí se lạnh của đêm Đà Lạt.

Tuy nhiên, nhiều du khách đã nghe lời chào mời đon đả để sau khi ăn xong phải thanh toán với giá đắt một cách phi lí, như 120.000 một tô hủ tiếu hay 100.000 một bát canh. Do đó, bạn nên hỏi kỹ giá và món ăn trước khi thưởng thức, đồng thời tham khảo trên mạng trước để biết những địa chỉ đen nên tránh.

Nhung chieu ‘chat chem’ du khach o Da Lat hinh anh 1
Nữ du khách bị đánh ngất xỉu vì chê đồ ăn, không đồng ý giá tiền. Ảnh: K.L.

Ngoài ra, các loại hàng đặc sản như mứt, dâu tây,… thường không có nguồn gốc, trà trộn với các mặt hàng gia công giá rẻ được vận chuyển đến đây từ các vùng khác. Những mặt hàng khác như quần áo ấm cũng thường bị hét giá lên gấp nhiều lần. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu các điểm bán đặc sản uy tín và chuẩn bị sẵn quần áo ấm trước khi đi Đà Lạt để không rơi vào tình trạng bị ép giá.

Chụp ảnh với nhân vật hoạt hình

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, du khách bày tỏ sự bức xúc khi bị lừa chụp ảnh với những nhân vật hoạt hình ở chợ đêm Đà Lạt. Một nhóm người mặc các bộ đồ hình Pikachu, Minion… ra chào mời du khách chụp ảnh cùng. Sau đó, một người trong nhóm sẽ ra đòi tiền, thậm chí còn có thêm 2-3 người ra gây sức ép, buộc khách phải trả dù trước đó không hề nói rằng cần có phí chụp ảnh chung.

Tham quan vườn dâu miễn phí

Nhiều du khách đã gặp trường hợp được người xưng là chủ vườn mời đi tham quan vườn dâu miễn phí, ăn tại chỗ thoải mái, chỉ tính tiền dâu mang về. Lời mời chào hấp dẫn này thường là một “bẫy du lịch”.

Nhung chieu ‘chat chem’ du khach o Da Lat hinh anh 2
Đà Lạt có nhiều địa chỉ nhà vườn uy tín cho bạn lựa chọn như vườn dâu Nhật, vườn dâu Hiệp Lực hay vườn dâu nhà anh Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Phước Bình.

Trong đó, khách sẽ được đưa vào một cửa hàng và bị yêu cầu mua các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo,… rồi mới có người dẫn ra vườn dâu. Tuy nhiên, khi đến nơi, nhiều người ngã ngửa khi thấy “vườn dâu” ở đây thực chất chỉ là một mảnh đất nhỏ trồng ít cây dâu, không có quả để hái mà cũng không có quả để mua, còn “chủ vườn” thì biến mất không một lời giải thích.

Du khách được khuyến cáo không nên nghe theo lời chào mời mà nên tìm kiếm những địa điểm uy tín, được đánh giá tốt.

“Cò” vườn dâu, đặc sản

Những người làm “cò” này hoạt động ở các tuyến đường lớn và các điểm tham quan chính của Đà Lạt. Họ thường đi xe máy, áp sát các đoàn khách và chèo kéo vào thăm lò mứt, vườn dâu hay cửa hàng. Thậm chí, một số người còn đe dọa bắt khách phải đến các địa điểm trên.

Nhung chieu ‘chat chem’ du khach o Da Lat hinh anh 3
Một “cò” chèo kéo khách du lịch tại TP Đà Lạt. Ảnh: Minh Quý.

Tại đó, nhiều du khách phản ánh bị ép mua những sản phẩm như mứt, rượu vang, dâu hay đồ uống, đồ ăn với giá cao, khiến họ bực bội và không hài lòng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý để “dẹp nạn cò”, nhưng chưa hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng này.