Làm mứt dừa vani – món ngon ngày Tết chưa bao giờ hết hot

0
931

Có nhiều cách làm mứt dừa, nhưng nếu bạn làm không đúng cách, sản phẩm sẽ không ngon, có thể quá cứng do lửa nhiều, hoặc đường không kết dính.

Nguyên liệu:

Dừa non: 1 kg

Đường cát: Khoảng 380-400 gram.

Vani: Khoảng 3ml

Các bạn chọn dừa bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Dừa non quá sẽ không cắt thành sợi được, còn nếu dừa già quá, mứt sẽ cứng. Các bạn lấy ngón tay ấn vào cùi dừa, thấy dừa hơi mềm, móng tay bấm được dừa là được. Còn móng tay không bấm dừa được có nghĩa trái đó cứng, không lấy.

Bạn nhờ người bán tách rời phần “cơm” giúp. Các bạn không quen tay, sẽ rất khó và lâu.

Cách làm mứt dừa vani

Ướp dừa: Các bạn rửa sạch cho hết chất dầu, sau đó gọt bỏ phần vàng phía ngoài mặt cơm cho sạch, thái sợi bằng đầu đũa ăn cơm, không nên bào.

Dừa non thái sợi mới ra sợi mứt vừa dai, vừa mềm, ăn ngon miệng. Chỉ bào mỏng nếu dừa già.

Khi đã cắt sợi, các bạn rửa lại đến khi nước trong là được, rồi để ráo nước tới công đoạn ướp đường.

1 kg dừa ướp với 400 gram đường. Bạn sợ ngọt quá thì giảm còn 380 gram, nhưng tuyệt đối không được ít hơn. Ít đường sẽ không tạo được lớp áo bên ngoài mứt, làm mứt chảy nước.

Mình thấy nhiều bạn làm 1 kg mứt thì dùng 500-600 gram đường. Theo mình thấy thì quá ngọt. Mình làm 400 gram theo cảm nhận là ngọt vừa ăn, vị ngọt thanh chứ không gắt, mà vẫn đủ lớp áo đường cho mứt, không sợ chảy nước.

Ướp đến khi đường tan hoàn toàn. Bình thường, mình ướp khoảng 2 giờ là đường tan hết, rồi bắt đầu đến công đoạn sên mứt.

Lam mut dua vani - mon ngon ngay Tet chua bao gio het hot hinh anh 1
Ướp dừa với đường khoảng 2 giờ rồi đem sên.

Cách sên mứt:

Dừa ngâm đường sẽ ra rất nhiều nước, dù mình không thêm nước. Các bạn lưu ý là dừa non mềm sẽ ra nhiều nước hơn so với dừa già. Khi bắt đầu sên, các bạn không nên đổ nguyên thau mứt đã ngâm vào chảo sên liền.

Bí quyết là đổ hết nước đường ngâm mứt ra chảo, sau đó bật bếp lửa bình thường đến khi nước đường sôi thì hạ lửa vừa nhỏ, đến khi nước đường cạn bớt, thành nước sệt sệt dạng syrup thì các bạn mới tiếp tục đổ mứt vào và sên tiếp.

Khi sôi lại, các bạn để lửa nhỏ cho sôi liu riu. Lâu lâu, bạn đảo mứt một lần, không cần đảo liên tục. Đảo từ dưới lên để tránh làm mứt đứt sợi. Nếu các bạn đổ hết thau mứt vào ngay từ đầu khi sên, khi mình sên lâu, cọng dừa sẽ cứng và dai, không mềm, dẻo đặc trưng của dừa non nữa.

Đến khi nước cạn gần hết, mứt bắt đầu có hiện tượng kéo chỉ thì phải đảo liên tục. Đảo từ dưới lên để tránh làm khét dưới đáy chảo.

Đảo liên tục đến khi có đường bám vào mứt thì cho vani vào và tắt bếp. Bạn vẫn phải đảo liên tục, cho mứt bám đường hoàn toàn. Khi đường bám hết vào mứt là xong.

Nhiều bạn thấy mứt có đường bám rồi thấy đẹp rồi thì không đảo nữa mà đổ ra ngoài. Làm vậy mứt sau này sẽ bị chảy nước. Khi thấy mứt đã bám xong hết rồi, bạn cần đảo liên tục, để mứt nguội hoàn toàn. Nếu mứt còn âm ấm mà các bạn không đảo, khi nguội,  mứt hấp hơi, hôm sau bị chảy nước.

Lam mut dua vani - mon ngon ngay Tet chua bao gio het hot hinh anh 2
Mứt dừa ngon nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Làm mứt đòi hỏi phải kiên nhẫn. Mình thấy mứt dừa đơn giản, dễ làm. Muốn mứt trắng đẹp, các bạn phải để lửa thật nhỏ.

Một số lưu ý

Mình khuyên các bạn cắt dừa bằng dao sắc bén, cắt sợi to bằng đầu đũa ăn cơm. Các bạn cắt vòng quanh hình tròn của trái dừa là nó sẽ ra hình sợi, chỉ cần khéo tay chút là được. Tuyệt đối không bào, vì dừa non bào sẽ ra mứt không ngon.

Các bạn nên lại chỗ vựa dừa lớn để chọn. Nhưng nếu gần Tết cũng hơi hiếm, bạn phải đặt trước.

Mình làm nhà ăn nên ăn ngon nhất là trong vòng 1 tuần, còn sau để tủ lạnh ngăn mát. Khi nào ăn lấy ra 5-10 phút cho mềm rồi ăn ngon như bình thường. 1 kg dừa non sẽ cho ra 0,5 kg mứt.

Không lấy đường áo để ướp dừa sên lại lần sau. Đường áo đó mà nấu chè hay kho cá cũng ngon lắm.