Vết thương hở có mau lành hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ hồi phục của da.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, quá trình lành và tạo sẹo của một vết thương nhanh hay chậm, xấu hay đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bản chất của vết thương (vết thương nhỏ, nông dễ lành và có thể không để lại sẹo). Mức độ tổn thương (vết thương bị bầm dập nhiều sẽ dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ, lâu lành và để lại sẹo xấu). Cách xử lý vết thương (đúng và kịp thời sẽ giúp vết thương mau lành và tránh được hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ).
Quá trình lành vết thương và tạo seo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có dinh dưỡng. Ảnh: WikiHow
Một số yếu tố khác làm chậm quá trình lành và tạo sẹo của vết thương là khẩu phần ăn không đủ hoặc không đa dạng dẫn đến thiếu chất đạm, thiếu vitamin, selen và kẽm, người cao tuổi, người bị bệnh đái tháo đường, người đang điều trị bằng thuốc có chất corticoid, người đang được hóa trị bệnh ung thư,…
Không nên ăn gì khi vết thương nhiễm trùng?
Một số quan niệm truyền miệng cho rằng trong thời gian vết thương đang lành sẹo hoặc đang bị nhiễm trùng-mưng mủ nếu ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, thịt bò, rau muống… sẽ gây ra sẹo lồi và vết thương càng tạo nhiều mủ, sưng và lâu lành hơn.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thực chất khi vết thương bị nhiễm trùng-mưng mủ, chỉ nên kiêng thực phẩm mà cá thể người đang bị vết thương khi ăn vào bị dị ứng (sau khi ăn thực phẩm thì bị ngứa, nổi mề đay, sưng tay chân, sưng mí mắt, thậm chí có thể bị khó thở hoặc lên cơn suyễn…). Tình trạng dị ứng này sẽ gây tăng hiện tượng viêm tại chỗ và tạo mủ nhiều hơn tại vết thương.
Bổ sung đạm, các nhóm vitamin và khoáng chất thiết yếu sẽ giúp vết thương mau lành. Ảnh:WikiHow