Được mệnh danh là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam, sâu chít được cho là có rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe đối với cả nam và nữ giới nên được nhiều người tìm mua, mặc giá đắt đỏ.
Dạo một vòng trên các diễn đàn, rất nhiều chị em liên tục mách nhau về công dụng thần kỳ của sâu chít và khổ tâm tìm mua bằng được loại “thần dược” tự nhiên này cho gia đình, dù giá cả đắt đỏ.
Trong vai người cần mua, chúng tôi lần theo địa chỉ trên mạng xã hội và hỏi đến được chị Tuyết (Facebook Tuyết ĐT), một tiểu thương bán sâu chít cho biết: “Do nhu cầu của người tiêu dùng cao và là mặt hàng khá hiếm nên giá cả sâu chít khá đắt đỏ.
Thời điểm hiện tại giá của loại sâu chít đã chẻ tách sâu ra khỏi đọt có giá 1,1 triệu đồng/kg. Đối với loại sâu đã sấy khô có giá cao hơn với 3,3 triệu đồng/kg”.
Chị Lương, một tiểu thương bán sâu chít lâu năm đến từ Hà Giang cho hay: “ Sâu chít loại được sấy khô là đắt nhất, nếu tính hết chi phí thì giá dao động từ 3-3,5 triệu đồng/kg.
Dù tôi ở tận Hà Giang nhưng khách mua chủ yếu ở dưới Hà Nội, mỗi tuần có khoảng gần chục khách. Đa phần họ mua sâu chít về ngâm rượu, người mua nửa lạng, người mua cả cân” – chị Lương nói.
Cũng theo giới thiệu của chị, sâu chít là loại ấu trùng sống trong thân cây chít – đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc. Đối với đồng bào Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản phẩm đặc biệt của địa phương mình, có xuất xứ từ các tỉnh như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.
Thời điểm thu hoạch sâu chít từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Khi lấy sâu chít ra khỏi đọt cây, chúng sẽ được thả ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để không bị biến chất và khiến sâu nhả hết chất bẩn. Sâu chít sau đó được sơ chế và bảo quản để sử dụng được lâu dài.
Trao đổi với chúng tôi về cách phân biệt sâu chít thật và giả, chị Lương chia sẻ: “ Đối với sâu chít tươi có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường với đặc điểm thân rất mềm, toàn thân màu vàng, da mỏng, không chân, không có lông tơ, phần miệng và răng của loại này bé bằng đầu tăm có màu hơi đen. Đối với loại sâu chít khô thì có màu vàng, bên trong rỗng, có lớp mỡ bao quanh và dính”.
Người vùng cao thường dùng sâu chít để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món ăn như rang lá chanh, tẩm bột chiên, nấu cháo…
Một số dân tộc còn dùng sâu chít để luộc chung với củ riềng chấm muối hoặc xào với các loại đọt bí, su su.
Chị Thuỳ Linh (sống Q.Cầu Giấy) cho biết thích ăn sâu chít vì có nhiều chất bổ dưỡng, khi ăn có vị bùi ngậy. “Tôi còn thường dùng sâu chít để ngâm rượu, vừa dùng cho ông xã uống, vừa để làm đẹp da…”.