Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn… pin con ó

0
2711

Để kiếm lời, bà Nguyễn Thị Loan mua pin con ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột.

Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin con ó - Ảnh 1.

Pin con ó được đập bể, lấy bộn đen để làm “phụ gia” sản xuất cà phê bột tại cơ sở bà Loan – Ảnh: CA cung cấp

Hành vi nêu trên của gia đình bà Nguyễn Thị Loan, ngụ tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã bị phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang chiều 16-4.

Sáng 17-4, lãnh đạo PC49 Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý hành vi vi phạm của gia đình bà Loan theo quy định.

Trước đó, vào ngày 16-4, từ nguồn tin báo của người dân, PC49 phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Nông kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Loan và phát hiện hành vi sản xuất cà phê “bẩn” tại đây.

Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin con ó - Ảnh 2.

Hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được gia công để rang xay, xuất ra thị trường kiếm lời – Ảnh: Công an cung cấp

Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận có có hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Cơ quan công an cũng thu giữ 2 chậu chứa bột đen lấy từ pin con ó (khoảng 35kg), 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan. Chủ cơ sở cũng đã nhuộm đen 12 tấn “cà phê bột” từ chất đen lấy từ bột pin con ó, chuẩn bị đóng gói đưa đi tiêu thụ

 

Bà Loan khai nhận, cơ sở sản xuất cà phê này đã hoạt động nhiều năm nay. Nguồn nguyên liệu là các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… được bà Loan thu mua tại các đại lý. Sau đó bà Loan dùng chất bột màu đen trong viên pin hòa với nước rồi đem nhuộm với các nguyên liệu thu mua về.

Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin con ó - Ảnh 3.

Theo cơ quan chức năng, sản xuất cà phê bột từ “phụ gia” pin con ó vô cùng độc hại – Ảnh: CA cung cấp

Số cà phê sau khi “gia công” được rang xay, đóng gói bán ra thị trường. Bà Loan thừa nhận hành vi nêu trên chỉ nhằm mục đích kiếm lời. Làm việc với cơ quan công an, bà Loan khai từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà đã xuất ra thị trường hơn 3 tấn “cà phê bột”.

Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin con ó - Ảnh 4.

Cơ quan công an thu giữ nhiều tang vật, phục vụ công tác điều tra cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” của bà Loan – Ảnh: CA cung cấp

Hiện cơ sở đã bị lực lượng chức tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm để tiếp tục điều tra làm rõ.

Khoa học giải thích vì sao càng lớn người ta càng thích cà phê

Vì sao khi còn nhỏ ai cũng ghét cà phê nhưng khi lớn lên bạn lại yêu thích thức uống này như vậy?

Khoa học giải thích vì sao càng lớn người ta càng thích cà phê

Lớn lên rồi mà bạn vẫn không thích cà phê? Mọi người sẽ quay sang bảo bạn là kẻ sociopath.

Hầu hết những đứa trẻ uống cà phê lần đầu tiên và ghét nó. Bạn cũng vậy. Cà phê đắng và chẳng hiểu sao những người lớn có thể yêu thích nó.

Nhưng rồi khi lớn lên, chúng ta một lần nữa nhận ra cà phê ngập tràn ở mọi nơi, mọi chốn. Cà phê có mặt trong phòng họp, trên bàn làm việc, và cả những cuộc gặp mặt bạn bè.

Lớn lên rồi mà bạn vẫn không thích cà phê? Sẽ có người quay sang bảo bạn là kẻ sociopath, một người rối loạn nhân cách và chống đối xã hội.

May mắn thay, ngay cả khi chưa từng uống cà phê lần thứ hai trong đời và vẫn còn ghét nó, bạn luôn có những sự lựa chọn khác. Ở tuổi thanh thiếu niên, chúng ta bắt đầu gọi Frappuccino, một dạng sinh tố cà phê nhẹ.

Rồi bạn sẽ bắt đầu thích nó. Bẵng qua một thời gian khi đã trưởng thành hơn, Frappuccino lại trở thành quá khứ. Đến tuổi trung niên thì mọi người sẽ chỉ còn gọi Espresso, và nghiện cái vị đắng đậm đà của loại cà phê này.

Cuối cùng, những đứa trẻ bây giờ lại ngước nhìn bạn và tự hỏi: Tại sao người lớn có thể thích cà phê đắng đến vậy? Một vòng lặp không bao giờ kết thúc.

Nhiều người nói rằng khi trưởng thành hơn, trải qua nhiều biến cố hơn, chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời mình vấn vương vị đắng như một ly cà phê. Họ vì thế mà thích nó. Nhưng liệu có cần lãng mạn quá như vậy? Nghiên cứu khoa học có thể giải thích tại sao càng lớn, con người càng thích cà phê.

Năm 2013, một bài báo đăng trên tạp chí Current Biology chỉ ra: Đường và chất béo là hai thứ mà những đứa trẻ yêu thích, từ khi chúng được sinh ra trên đời. Và thật trùng hợp, một cốc Frappuccino cũng đầy đường và chất béo. Nhưng dĩ nhiên, nó vẫn có thêm một chút cà phê.

Vậy là ở vị thành niên, bạn bắt đầu chấp nhận được một chút vị đắng trong Frappuccino, chỉ cần nó vẫn chứa đầy đường và sữa. Frappuccino trở thành đồ uống quen thuộc của bạn.

Nhưng không ai uống Frappuccino mãi mãi được. Một ngày, bạn cũng bắt đầu chán ngấy nó và muốn chuyển sang một loại đồ uống nhiều cà phê hơn chút.

Biến số 1, Hiệu ứng này xảy ra dựa trên một nguyên lý được gọi là: “Sự lờn thuốc” (Habituation).

Christy Spackman, một nhà khoa học nghiên cứu thực phẩm tại Đại học Harvey Mudd giải thích: “Bộ não của chúng ta liên tục thu nhận thông tin về thế giới xung quanh. Nếu có những thứ gì đã trở thành quen thuộc, nó ngừng đặt sự chú ý đặc biệt vào đó”.

Cảm giác ghét là một sự chú ý đặc biệt. Và bởi đó là lần đầu bạn uống cà phê, não bộ đặt sự chú ý rất cao vào mùi vị của nó. Ngược lại, khi bạn đã quen dần với Frappuccino ở tuổi vị thành niên, chút đắng nhẹ nhàng của cà phê dần trở nên dễ chịu hơn.

Hiệu ứng quen lờn giúp não bộ bạn giải phóng được dung lượng, giúp nó có chỗ để chứa các cảm giác và kích thích khác. Điều này xảy ra khi chúng ta tương tác với vị của thực phẩm, nhất là những thực phẩm quen thuộc và có hương vị đặc biệt.

Spackman cho biết vị giác của con người là thứ gì đó có thể uốn nắn được. Nó giống như một phương trình 3 biến số. Bằng cách thay đổi mỗi biến, vị giác của mỗi người sẽ thay đổi. Có một số biến là hằng số, được quyết định bởi gen. Nhưng cũng có biến số dễ dàng thay đổi, ví như sự ảnh hưởng từ xã hội, tập quán, văn hóa.

Biến số đầu tiên trong phương trình vị giác là bản chất sinh lý của bạn. Một phần, nó thuộc về yếu tố di truyền. Nghiên cứu năm 2006 chứng minh rằng những cặp song sinh cùng trứng có sở thích giống nhau hơn, so với các cặp song sinh khác trứng.

Bạn có bao nhiêu nụ vị giác trên lưỡi? Độ nhạy của chúng, với những hợp chất hóa học có trong thực phẩm, khác nhau ở mỗi người. Lối sống, chẳng hạn như hút thuốc, cũng có thể thay đổi vị giác của bạn. Và ngay cả những người không hút thuốc cũng bị suy thoái vị giác khi họ già đi. Điều này đặc biệt đúng với đàn ông.

Biến số thứ 2, thú vị hơn, là nơi mà bạn lớn lên và trưởng thành. Từ khi bạn sinh ra và bước vào thế giới này, bạn ăn gì, trong một nền văn hóa thế nào là một câu hỏi quan trọng.

Nghiên cứu năm 2002 đã phát hiện thức ăn trong thời sơ sinh ảnh hưởng đến sở thích và vị giác của bạn sau này. Chẳng hạn như các loại sữa khác nhau đã khiến những đứa trẻ lớn lên thích hoặc không thích súp lơ xanh hơn.

Biến số cuối, đó là những mối liên hệ cảm xúc của chúng ta với thực phẩm. Thử nhớ lại một lần bạn bị ngộ độc, món ăn đó và quán ăn đó gần như sẽ là nơi bạn không bao giờ trở lại.

Ở phía tích cực, Spack cho biết: “Đôi khi mọi thứ trở nên ngon hơn từ lúc bạn chia sẻ chúng với bạn bè”. Chẳng hạn, thực phẩm đông lạnh hoặc hải sản là thứ bạn chẳng bao giờ dụng đến. Nhưng bên một ngọn lửa trại, nó lại trở nên ngon tuyệt.

Trở lại với những ly cà phê. Cho dù bạn không phải là người hay cắm rễ ở một quán quen nào đó. Những quán cà phê cũng không nắm giữ được hết kỷ niệm của bạn.

Thế nhưng, rõ rằng đó vẫn là một nơi ấm áp vào một ngày mưa, hoặc một nơi mát lạnh điều hòa trong một ngày nắng. Có quán cà phê nào là nơi bạn gặp gỡ bạn bè cả triệu lần trong đời? Có quán nào là nơi yên tĩnh để bạn thư giãn và thưởng thức những ngụm cà phê đắng?

Suy cho cùng, hầu hết chúng ta đều ghét cà phê trong lần đầu tiên uống thử. Nhưng rồi lớn lên, mọi người vẫn đặt nó trên mặt bàn làm việc, ghé thăm quán xá đều đặn mỗi tuần, và gọi cà phê ngày một đậm đặc hơn.