Vào những ngày thời tiết oi ả, nắng không nắng, mưa không hì hầm suốt ngày, còn gì tuyệt vời hơn được thưởng thức những cốc si rô ngọt mát thanh tao phải không nào? Còn ngại ngùng gì mà không cùng nauankhongkho.com làm sẵn những bình si rô để dành thưởng thức nào!
1.SIRO VẢI
Nguyên liệu: 1kg vải đã lột vỏ, bỏ hạt; 500ml nước; 800gr đường.
Cách làm:
Đun đường với nước cho sôi tới khi nước đường hơi sánh lại thì cho vải vào. Đun sôi khoảng 5 – 8 phút rồi tắt bếp, để nguội rồi đổ vào lọ. Lọ siro vải có thể chế biến thành đồ uống hoặc món tráng miệng rất ngon lành và tiện lợi. Để có đồ uống thanh mát, bạn chỉ cần đổ một chút siro vải vào cốc, thêm nước, đá và cho thêm vài lá bạc hà vào cho đẹp. Các lọ siro vải có thể bảo quản từ 1 – 3 tháng ở chỗ mát và tối. Nếu để trong tủ lạnh, có thể bảo quản tới 6 tháng
2.SIRO QUẤT
Nguyên liệu: 2kg tắc chín (miền Bắc gọi là quả quất) 500gr đường phèn hoặc nhiều hơn tùy ý Keo, hũ thủy tinh sạch (đã trụng nước sôi, để ráo)
Cách làm: Tắc rửa sạch để ráo, cắt đôi từng trái. Vắt lấy nước qua rây để bỏ hột, vỏ tắc bạn để riêng ra để làm món mứt tắc. Cho đường phèn vào nồi. Đổ nước tắc vào nấu cùng đến khi đường tan chảy Vặn lửa nhỏ, đun cho hỗn hợp nước tắc và đường sôi liu riu Để nguội cho nước sirô tắc vào hũ, đậy nắp lại bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.
3.SIRO DỨA
Nguyên liệu: 1 quả dứa to, không quá chín 1 – 2 thìa cà phê bơ hoặc dầu olive 2 thìa đường 2 chén nước.
Cách làm: Đầu tiên, hãy gọt vỏ quả dứa, cắt bỏ các mắt, bỏ lõi dứa đi, thái miếng dài vừa, không quá nhỏ cũng không nên to quá. Làm nóng lò nướng hoặc chảo nướng, rót chút dầu olive vào chảo, nướng dứa sao cho cả hai mặt dứa hơi cháy vàng một chút. Trong một bát lớn, cho đường và nước vào khuấy tan. Thêm dứa nướng vào, ngâm trong 24 giờ.
Cho siro dứa vào lọ đậy kín lại. Nếu muốn lưu trữ lâu, hãy bỏ hết các miếng dứa đi. Nếu muốn thưởng thức luôn siro này thì để lại các miếng dứa nướng trang trí trong cốc nước, khi uống thì thêm đá cho mát và bớt ngọt, ăn luôn dứa nướng rất thơm và ngon. Siro dứa có thể thêm vào cốc latte sữa hạnh nhân rất thơm. Lấy 1 thìa canh siro dứa (có thể tăng thêm 2 thìa tùy thích), thêm vào khi cà phê còn nóng ấm, khuấy đều rồi thưởng thức. Ngoài ra, có thể thêm siro dứa vào bất kỳ ly nước ngọt hay ly cocktail nào. Nó rất ngọt ngào và có vị hơi cháy rất lạ miệng.
4.SIRO BẠC HÀ CHANH
Nguyên liệu: 440g lá bạc hà, 200g đường, 220ml nước, 2 quả chanh
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn vắt hết 2 quả chanh ra ly và rửa sạch lá bạc hà, để vào tô.
Bước 2: Cho đường và nước vào nồi, đun ở lửa vừa cho đến khi đường tan hết.
Bước 3: Thêm lá bạc hà vào.
Bước 4: Sau đó bạn cho cả nước chanh vào, đun ở lửa nhỏ trong khoảng 5 – 6 phút rồi để nguội.
Bước 5: Sau khi siro đã nguội, bạn lọc qua rây lọc, vứt phần lá đi và giữ siro trong lọ kín. Siro này có thể dùng dần trong khoảng vài tuần nhé!
5.SIRO CAM
Nguyên liệu:
– 4 quả cam.
– 2 quả chanh.
– 1 thanh vani.
– 8 chén đường.
– 8 chén nước.
Dụng cụ:
– Dao.
– Nồi.
– Lọ.
Cách làm:
Bước 1: Cam và chanh rửa thật sạch, sau đó thái thành những lát mỏng.
Bước 2: Cho cam và chanh đã thái lát mỏng vào nồi, thêm đường, nước và vani.
Bước 3: Đặt nồi cam lên bếp, đun với lửa vừa trong khoảng 30 phút cho đến khi thấy siro có màu vàng đậm và sánh đặc lại thì tắt bếp. Để nguội bớt rồi cho siro vào lọ sạch để dùng dần.
6.SIRO BẠC HÀ
Nguyên liệu: Đường phèn: 300g. Nước lọc: 1 lít. Bạc hà: 50g, bạn phải chọn những lá bạc hà còn tươi nguyên, không quá già cũng không quá non để siro bạc hà ngon đúng chuẩn nhé.
Dụng cụ: 1 bình thủy tinh chứa được 1 lít nước bảo quản trong tủ lạnh, nếu không có bình thủy tinh bạn có thể thay thế bằng bình nhựa chuyên dụng nhé, rây lọc nhỏ.
Cách làm:
– Lá bạc hà: Rửa sạch, ngâm qua với một chút muối loãng, vớt ra, để ráo, thái nhỏ vừa, bạn cũng có thể để nguyên lá bạc hà nhưng thái nhỏ sẽ giúp cho món siro này thơm ngon đậm đà vị bạc hà the mát hơn đấy.
– Cho 300g đường phèn đun sôi cùng 1 lít nước lọc, khi thấy nước sôi, bạn vặn lửa nhỏ vừa để đường phèn tan hết, dùng thìa vớt hết lớp bọt li ti bên trên (nếu có), tiếp đó bạn cho lá bạc hà thái nhỏ, đun sôi thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp, để nguội.
– Rót nước siro ra bình thủy tinh đã chuẩn bị sẵn, lưu ý là phải gạn hết phần lá bạc hà nhé, cẩn thận hơn bạn có thể lọc qua rây rồi cho vào bình thủy tinh, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản và dùng dần.
7.SIRO NHO
Nguyên liệu: 40 gam nho; 1 chén sirô ngô; 1/2 chén đường
Cách làm: Nho rửa sạch, cho vào nồi cùng sirô ngô, đường đun trên lửa vừa và thỉnh thoảng khuấy đều cho đến khi nhừ. Sau đó, bạn bắc nồi ra rồi đổ vào rây lọc kỹ lấy nước là xong. Pha loãng sirô ra, bạn sẽ có những cốc nước giải khát ngon tuyệt.
8.SIRO HOA ATISO ĐỎ
Nguyên liệu: 1kg hoa bụp giấm; 800g đường cát trắng; 1 chiếc lọ thủy tinh
Cách làm: Hoa bụp giấm mua về rửa sạch, bạn nên chọn những bông cánh to, dài và không bị dập nát. Tách riêng phần cánh hoa và nhụy hoa. Phần nhụy có thể đem phơi khô sau đó hãm nước uống như hãm chè có tính thanh nhiệt, rất mát. Phần cánh để riêng cho thật khô để ngâm. Cho hoa vào lọ, cứ một lớp hoa một lớp đường cho đến hết. Để 3 đến 5 ngày cho đường tan ra hết. Gắp riêng phần cánh hoa ra chảo, xào lửa nhỏ ăn rất giòn. Phần nước bạn cho vào 1 chiếc nồi sạch rồi đun sôi, tắt bếp để nguội sau đó rót vào một chai khô, sạch và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
9.SIRO CHANH LEO
Nguyên liệu: 1kg chanh leo; 250g đường
Cách làm: Chanh leo rửa sạch, xẻ đôi. Dùng muỗng múc ruột quả cho vào rây, đè ép bằng muỗng cho nước chanh chảy xuống. Bạn thu được khoảng 200ml nước cốt. Thêm 200ml nước vào phần bã hạt, khuấy cho hòa tan, lại lược qua rây và đè ép, thu được khoảng 200ml nước lần 2. Thêm 100ml nước, lại khuấy, đè ép qua rây để thu được 100ml nước lần 3.Cho tất cả 500ml nước chanh leo (nước cốt, nước lần 2, nước lần 3) vào nồi cùng 250g đường.Đun sôi rồi nhỏ lửa đun thêm 10 phút cho nước sánh lại. Vớt bọt cho sirô được trong. Để nguội, cho vào chai, cất vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Để được vài tháng.
10.SIRO DÂU TÂY
Nguyên liệu: 400g dâu tươi chín đỏ; 200g đường; 200 – 250 ml nước
Cách làm:
Bước 1: Dâu rửa sạch, bỏ cuống, xẻ nhỏ, cho vào nồi. Chế nước xâm xấp mặt dâu (200 đến 250ml). Đun sôi rồi hạ lửa nhỏ nấu riu riu. Thỉnh thoảng vớt bọt. Khi nấu được khoảng 15 đến 20 phút dâu sẽ ra hết màu đỏ.
Bước 2: Lọc nước dâu qua rây, đừng chà xát phần bã dâu, vì như thế sẽ làm cho si rô bị lợn cợn, mất độ trong.
Bước 3: Cho đường vào nước dâu, khấy tan, đun trên lửa nhỏ cho đến khi đạt độ sánh vừa ý. Để nguội rồi cho vào chai hay lọ để bảo quản. Tự làm si rô dâu tây tại nhà giúp bạn yên tâm không dùng phẩm màu mà si rô vẫn đỏ, đẹp nhờ màu đỏ tự nhiên của dâu chín. Có thể dùng si rô này rưới lên đá bào giải khát trong những ngày nắng nóng.
11.SIRO ĐÀO
Nguyên liệu: 230g đào (có thể dùng đào tươi hoặc đào hộp); 230g đường; 250ml giấm táo
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn cắt đào thành từng miếng hạt lựu.
Bước 2: Cho đào vào tô rồi rắc đường lên trên.
Bước 3: Trộn đều lên để đường áo đều từng miếng đào.
Bước 4: Dùng nylon thực phẩm bọc tô lại rồi cất trong tủ lạnh trong khoảng 1 tuần.
Bước 5: Sau khoảng 6 ngày, hỗn hợp đào của bạn trông sẽ như thế này.
Bước 6: Bạn cho hỗn hợp đào qua rây lọc rồi lọc lấy hết nước.
Bước 7: Bạn vớt lấy xác đào ra rồi vét cả phần đường còn chưa tan hết trong bát vào phần nước vừa lọc nữa nhé!
Bước 8: Thêm giấm táo vào, khuấy đều là có thể dùng được. Hỗn hợp siro đào này có thể trữ trong tủ lạnh khoảng 1 năm.
12.SIRO MẬN
Công thức 1: Nguyên liệu: Mận hậu: 2kg Đường: 1,5kg
Cách làm:
Bước 1: Mận rửa sạch, để ráo. Dùng dao tách bỏ hạt mận (nếu cẩn thận hơn thì có thể dùng nạo để nạo bỏ vỏ mận).
Bước 2: Rải một lớp mận vào dụng cụ đựng rồi rải tới một lớp đường. Cứ rải lặp đi lặp lại như thế cho đến hết mận và đường. Để ướp cho đến khi mận tiết ra nhiều nước và đường tan.
Bước 3: Cho toàn bộ mận và nước mận vào nồi, đặt lên bếp đun sôi khoảng 20 phút. (Hoặc khi đường tan hết thì có thể gạn lấy phần nước này, cho vào lọ và cất vào tủ lạnh. Nước này có thể dùng để pha nước uống. Phần bã mận thì cho vào lọ rồi cũng cất vào tủ lạnh để thi thoảng nhâm nhi. Hoặc là đem xay phần bã mận này thật nhuyễn rồi cho lên bếp sên để làm mứt mận).
Bước 4: Gan lấy phần nước mận, để nguội rồi cho vào lọ và cất vào tủ lạnh để bảo quản. Sau 2 đến 3 ngày ta sẽ thu được phần siro mận sánh đặc. Siro mận này dùng để pha nước uống, làm thạch, phủ lên kem để trang trí…
Bước 5: Phần bã mận đem xay thật nhuyễn.
Bước 6: Cho phần bã mận đã xay nhuyễn này vào nồi. Sên mận ở mức lửa nhỏ cho mận đặc hơn chút nữa là ta đã có được món mứt mận.
13.SIRO TRÁI CÂY
Nguyên liệu: 1 cup đường cát (khoảng 200 gram); 1 cup nước lọc (khoảng 240ml); Các loại trái cây tùy thích như dâu, cherry, đào, cam, chanh, bưởi,…
Cách làm: Với các loại trái cây ép nước như cam, chanh, các nàng vắt nước và trữ trong tủ lạnh. Với những loại trái cây ăn ngay như dâu, cherry hay bưởi, các nàng rửa sạch, gọt vỏ và thái trái cây thành những miếng nhỏ. Bật bếp, cho đường, nước, trái cây (nước cốt hoặc trái cây tươi) vào nồi và đun trong vòng 20 đến 25 phút cho đến khi trái cây thật mềm. Tắt bếp và đợi hỗn hợp nguội hoàn toàn. Đổ siro ra lọ và bảo quản trong tủ lạnh. Với cách làm siro này, các nàng có thể pha sử dụng siro homemade để pha các loại trà lạnh, soda hay làm kem cho mùa hè
14.SIRO XOÀI
Nguyên liệu: Xoài chín: 2 quả Đường: 500g Vani: 1/2 ống Thơm: 2 lát mỏng
Cách làm
Bước 1: Xoài chín gọt sạch vỏ, cắt nhỏ rồi cho vào máy xay, xay nhuyễn.
Bước 2: Thơm cắt nhỏ rồi cũng bỏ vào máy xay, xay nhuyễn với một chút nước.
Bước 3: Đổ thơm ra nồi, bắc lên bếp đun, cho đường vào và quấy đều. Trong quá trình đun phải hớt bọt, tiếp đó cho vani vào.
Bước 4: Cho xoài xay vào nồi thơm, vừa đun vừa quấy đều, khi hỗn hợp sôi đều thì tắt bếp.
Bước 5: Lọc hỗn hợp qua rây hoặc khăn thật kĩ để bỏ sơ còn sót lại, cuối cùng chúng ta có được siro xoài. Siro xoài với màu vàng cam bắt mắt có vị ngọt và đậm hương vị xoài. Bạn có thể dùng ngay hoặc cất trong tủ lạnh để dùng đến bất cứ khi nào.
15.SIRO DÂU TẰM
Nguyên liệu: 2kg dâu chín; 1 đến 1,2kg đường
Cách làm:
Bước 1: Cho dâu tằm vào chậu nước sạch, rửa nhẹ nhàng để dâu tằm ra hết bụi bẩn. Không nên rửa mạnh tay vì dâu chín rất dễ nát. Nếu sợ màu tím của dâu phai ra tay khó rửa bạn có thể dùng gang tay nấu ăn khi rửa dâu. Rửa khoảng 2 đến3 nước. Vớt dâu ra, để ráo.
Bước 2: Đun sôi một nồi nước lớn, thêm một xíu muối, khuấy đều để muối tan. Khi nước sôi, tắt bếp, để cho nước nguội bớt rồi cho dâu vào chần trong vài phút (3 phút). Sau đó bớt dâu ra để cho ráo nước. Cách làm này sẽ giúp cho dâu không bị màng khi ngâm.
Bước 3: Cho một lớp dâu vào trong khay chứa lớn. Cứ rải một lớp dâu lại đến một lớp đường cho đến khi hết. Đậy kín đường lại. Sau khi ngâm đường qua một đêm, cho dâu vào nồi đun sôi. Sau đó giảm lửa, đun thêm khoảng 35 đến 40 phút. Nước trong quả dâu sẽ ra hết. Để dâu nguội. Lọc lấy phần nước si rô dâu cho vào lọ bảo quản. Còn phần quả có thể xay ra làm mứt, sên cho đặc lại rồi ăn kèm với bán mì hoặc làm bánh quy các loại… Hoặc để nguyên quả, sên cho chắc lại, để dành ăn vặt.
16.SIRO DƯA LEO
Nguyên liệu: 23 trái dưa leo cỡ vừa; 200g đường; 240ml nước
Cách làm:
Bước 1: Hòa nước với đường rồi cho lên bếp đun ở lửa nhỏ cho đến khi đường tan chảy hoàn toàn.
Bước 2: Trong lúc đó, bạn rửa dưa leo thật sạch rồi bào nhỏ.
Bước 3: Cho dưa leo bào vào nồi nước đường còn nóng, trộn đều rồi để yên trong khoảng 30 phút.
Bước 4: Sau đó, lọc lấy phần siro dưa leo. Các bạn chú ý bảo quản siro trong ngăn mát của tủ lạnh.
Bước 5: Để pha nước, các bạn chuẩn bị: 1 quả chanh, vài lá bạc hà, 200ml nước và 30ml siro dưa leo này.
Bước 6: Cho lá bạc hà vào ly rồi dầm nát.
Bước 7: Thêm đá, nước lọc, vắt chanh và cho siro vào là xong.
17.SIRO CHANH
Nguyên liệu:
- 6 quả chanh tây (hay còn gọi là chanh vàng)
- 400g đường (bạn có thể cho nhiều hơn nếu hay dùng nhiều đá)
- 250ml nước
- 1/4 thìa cà phê muối
- Vài nhánh lá bạc hà
Cách làm:
Để làm siro hoa quả bạn thường phải đun đường cùng hoa quả, với siro chanh tây bạn chỉ cần đun cùng phần vỏ.
Trước tiên bạn dùng dao nạo vỏ để dễ dàng lấy được phần vỏ ngoài của 1 quả chanh, rồi dùng dao nhỏ và mỏng để lạng hết phần cùi trắng bỏ đi.
Sau cùng thái vỏ chanh thành sợi. Công đoạn này có thể giản tiện hơn nếu bạn dùng một cái nạo sợi nhỏ nhưng nhược điểm là sẽ bị bớt chút tinh dầu vỏ chanh trong khi nạo.
Đổ đường vào nồi đun nhỏ lửa cho tan chảy đều thì thêm nước vào khuấy đều. Khi nước đường sôi bạn thả toàn bộ vỏ chanh vào đun, để lửa vừa và đun sôi chừng 5 phút thì tắt bếp. Bạn thả vào nồi vài nhánh bạc hà, đậy vung kín chừng 10 phút. Sau đó đổ siro vỏ chanh qua một cái rây để lọc lấy nước, bỏ phần vỏ bã đi.
Nếu bạn muốn để dành thì chờ siro vỏ chanh nguội, cho vào bình sạch (đã đun khử trùng với nước sôi), đậy kín và cất trong ngăn mát. Vắt lấy nước cốt của 6 quả chanh (trong đó có một quả đã lấy vỏ), bỏ hạt. Trộn đều nước cốt chanh với siro vỏ chanh để có một ly siro chanh tây ngọt ngào.
Khi dùng bạn cần pha theo tỉ lệ: 1 phần siro chanh 5 phần nước lọc. Giờ thì bạn có thể thưởng thức siro chanh tây được rồi. Thêm đá lạnh, một nhánh bạc hà và vài lát chanh tươi cho cốc nước chanh của bạn thêm phần hấp dẫn nhé!
18.SIRO GỪNG
Nguyên liệu:
cho khoảng gần 500ml siro gừng; 115g gừng tươi; 500g đường cát; 750ml nước
Cách làm:
Nửa quả chanh vàng vắt lấy nước cốt + vỏ chanh bào. Gừng rửa sạch, gọt vỏ, băm thật nhỏ. Trộn gừng với đường cho đường tan hết sau đó thêm nước rồi cho vào nồi đun sôi lên. Khi nước gừng đã sôi vặn nhỏ lửa đun tiếp chừng 30 phút. Sau đó nhấc nồi ra khỏi bếp, cho nước cốt chanh và vỏ chanh bào vào khuấy đều. Để nguội rồi rây qua rây để loại bỏ hết bã. Cho siro gừng vào chai thủy tinh để vào tủ lạnh và dùng được trong vòng 2 tuần.
Chúc các bạn thành công.
Theo Nấu ăn không khó tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
- NHỮNG LOẠI THỨC UỐNG DÀNH CHO DÂN VĂN PHÒNG
- CÁCH LÀM TRÀ SỮA TRÀ XANH THỨC UỐNG THANH MÁT CỰC SẢNG KHOÁI